MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo dục thanh thiếu niên tìm đọc cái hay, cái đẹp và tránh xa sách “bẩn”

Lê Thanh Phong LDO | 18/04/2024 09:23

Quan sát từ thực tế, sẽ thấy đa số bạn trẻ đọc báo bằng các thiết bị công nghệ, điện thoại, máy tính, ít ai đọc báo giấy. Ngay cả những người thuộc “thế hệ báo giấy”, cũng dần chuyển sang đọc báo điện tử.

Sách cũng vậy thôi, độc giả chuyển sang đọc sách điện tử ngày càng tăng, thể hiện qua con số thống kê về xuất bản và phát hành sách điện tử hằng năm. Ở thời đại số, mọi thứ đều được chuyển tải trên các nền tảng xuyên biên giới thì việc khai thác các ứng dụng để tiếp cận thông tin là đương nhiên, báo hay sách cũng không thể thoát khỏi xu hướng này. Không thể nói là ủng hộ việc đọc sách điện tử hay không, mà đó là đòi hỏi của thời đại.

Biết rõ đòi hỏi này, việc xuất bản ấn phẩm phải chú trọng đến không gian mạng, đưa tác phẩm đến người đọc nhanh chóng và tiết kiệm. Đương nhiên, việc xuất bản sách theo bản in truyền thống vẫn cứ giữ, hình thức này vẫn có đời sống và đặc thù văn hóa riêng.

Ở các nước tiên tiến, công nghệ hiện đại, vẫn có nhiều người cầm sách đọc trên ghế đá công viên, trên tàu xe, máy bay. Có lẽ cầm một cuốn sách trên tay có cảm xúc và sự thú vị riêng đối với người đọc.

Khai thác không gian mạng để thúc đẩy văn hóa đọc là cần thiết, nhưng cần lưu ý đến các loại “sách bẩn”. Trên không gian này, những điều tốt đẹp rất nhiều, nhưng những thứ xấu xa cũng không ít. Giáo dục thẩm mỹ để học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên tìm đến với cái hay, cái đẹp, xa lánh những thứ độc hại là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và của toàn xã hội.

Thúc đẩy văn hóa đọc còn có một việc quan trọng, đó là ngăn chặn nạn làm sách lậu. Hiện nay, một tác phẩm “hot” vừa tung ra thị trường, ngay lập tức bị “copy”, sách lậu tràn lan. Tác giả cũng như nhà xuất bản chỉ biết khóc ròng vì thật giả lẫn lộn, những kẻ làm ăn gian lận được lợi, còn người lao động trí óc làm ra tác phẩm lại chịu thiệt.

Sách trên không gian mạng càng dễ bị “đánh cắp”, ngăn chặn là điều không dễ. Trước thực trạng sách giả, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cần có sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng.

Đó là, mỗi người đều có ý thức coi những người làm sách lậu là một loại tội phạm, lừa đảo, ăn cắp bản quyền. Độc giả không mua các ấn phẩm lậu là bảo vệ các tác giả, những người lao động trí óc, lao động nghệ thuật, đóng góp tri thức cho xã hội.

Bài trừ sách lậu, chỉ đọc sách có bản quyền cũng là sự thể hiện văn hóa đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn