MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giáo sư không thể sử dụng chứng chỉ “ngoại ngữ ba quan”

LÊ THANH PHONG LDO | 01/12/2019 07:00
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 20/2019/TT-BGD ký ngày 26.11.2019 về bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT ngày 6.6.2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên có giá trị sử dụng.

Thế là kết thúc một thứ hành hạ giáo viên bao năm nay. Nhưng còn công chức, liệu có mạnh dạn bãi bỏ quy định nộp các loại bằng cấp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C.

Còn nữa, các loại chứng chỉ tin học, nó cũng hành hạ công chức, viên chức không thua gì bằng ngoại ngữ. Các quy định này chỉ gây thêm tiêu cực xã hội, chẳng được ích gì.

Cũng xin nhắc lại, Báo Lao Động có nhiều loạt bài điều tra, phanh phui những cơ sở giáo dục bán bằng ngoại ngữ, tin học. Người ta chỉ bỏ tiền ra mua và có người bao đỗ. Từ những bài điều tra của Báo Lao Động, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ghi nhận và quyết định chính thức bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ.

Tuy nhiên, với những vị trí, chức danh, ngoại ngữ là bắt buộc, vậy thì lấy gì để chứng minh. Hiện nay, chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư không thể chứng minh trình độ ngoại ngữ của mình bằng chứng chỉ A, B, C của các trung tâm ngoại ngữ cấp. Thời phong kiến, việc học hành thi cử có lúc mạt vận, nảy nòi ra thứ “sinh đồ ba quan”, có nghĩa là những loại đỗ đạt bằng tiền. Nay cũng có loại “sinh đồ ba quan”, điển hình nhất là các loại chứng chỉ, trong đó có “ngoại ngữ ba quan”.

Nộp chứng chỉ ngoại ngữ để phong giáo sư mà nguồn từ các cơ sở đào tạo “ba quan” thì không thể chấp nhận. Ví dụ, Đại học Đông Đô tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy một cách tràn lan, không tuân thủ theo quy định của Bộ GDĐT. Loại này là mua bán tờ giấy lộn, là “ngoại ngữ ba quan”. Thế thì chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C chẳng có giá trị gì.

Bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C là quá đúng, nhưng đối với các vị trí tuyển dụng cần ngoại ngữ, thì phải có chứng chỉ quốc tế có giá trị. Ví dụ như tiếng Anh thì phải IELTS, TOEFL, TOEIC, các ngoại ngữ khác cũng phải từ các chứng chỉ có chất lượng quốc tế tương đương như các chứng chỉ Anh ngữ.

Hãy thôi cái thời nhập nhằng thật giả, dối trá bằng cấp, thay vào đó là học thật, hành thật. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn