MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh Giáo sư Trương Nguyện Thành mặc trang phục "phá cách" giảng bài cho sinh viên. Ảnh: Vũ Anh

Giáo sư quần soóc và cú sốc về sự thay đổi

LÊ THANH PHONG LDO | 26/04/2017 09:34
Nhiều trang báo và mạng xã hội nóng lên chuyện GS-TS Trương Nguyện Thành - Hiệu phó Trường Đại học Hoa Sen - mặc quần soóc và áo vét lên giảng đường. Đúng là phàm cái gì mới cũng gây ra tranh cãi, nếu chỉ là những chuyện cũ rích thì chẳng ai bàn làm gì.

Đã từng có nhiều người lên tiếng phải thay đổi cách dạy, bỏ đi lối nhồi sọ, áp đặt tư duy một chiều, khẩn thiết kêu gọi hãy giải phóng sức sáng tạo, dẹp bỏ lối học tầm chương trích cú. Và cũng có nhiều người phản đối phương pháp giảng dạy chỉ khai thác sức nhớ mà không chú trọng sức tưởng tượng. Vài ví dụ như thế để nhắc lại việc hướng tới một nền giáo dục khai phóng.

Nhưng khi có người thầy thay đổi phương pháp giảng dạy trong một chuyên đề về sáng tạo, thì đôi khi chính những người từng hô hào về thay đổi cách dạy lại phản đối dữ dội nhất.

GS Thành không phải mặc quần soóc và áo vét để lên giảng đường hằng ngày, mà chỉ trong lớp học phát triển tư duy sáng tạo ở khóa học Lộ trình sáng tạo diễn ra trong ngày 23 và 24.4.

Theo GS Thành, sáng tạo là phải vứt bỏ mọi định kiến, vượt qua mọi khuôn thước, mọi công thức có sẵn. Chỉ khi tư duy mở rộng ra, tầm nhìn xa hơn thì mới tìm ra được giá trị mới.

GS Thành đã lấy chính mình làm công cụ trực quan, chiếc áo vét tông với chiếc quần soóc như là đạo cụ để phục vụ cho một kịch bản trên sân khấu. GS là người thầy và cũng là diễn viên cho vở diễn, với mục đích truyền thông điệp, nguồn cảm hứng đến cho sinh viên. Vở diễn cho thấy, nếu như mặc nguyên bộ vét tông thì có gì phải nói, nhưng hãy thử mặc quần soóc với vét tông, sẽ tạo ra một hiệu ứng hay cú sốc về thẩm mỹ. Và GS Thành đã thành công, 3 ngày qua câu chuyện về áo vét với quần soóc của ông đã lên cơn sốt.

Còn nhớ khi một nhà thiết kế đưa ra mẫu áo dài mặc với quần jean, thiên hạ nhao nhao cho rằng, mất đi cái đẹp dịu dàng của áo dài truyền thống. Nhưng dần dần về sau, mặc áo dài và quần jean là mốt rất được ưa chuộng.

Có lý thuyết gia đã từng đưa ra khái niệm “phá hủy sáng tạo”, không phá hủy sáng tạo để sáng tạo ra cái mới thì nhân loại hôm nay vẫn chỉ dùng cái rìu đá. Không có máy ảnh kỹ thuật số thì Kodak không chết đột tử, nhưng máy ảnh kỹ thuật số có thể lại chết lâm sàng vì smartphone.

Không có những người thầy dám thay đổi cách dạy bằng việc dựng lên một kịch bản sân khấu và lấy mình làm diễn viên, áo quần làm đạo cụ thì khó có thể chia tay với những tiến sĩ “gây mê” (giảng tới đâu sinh viên ngủ tới đó) và những trang giáo án từ chương nhai lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn