MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3, TPHCM). Ảnh: Nhà trường

Giáo viên cho học sinh đánh bạn thì khác gì cổ xúy cho bạo lực học đường

Hoàng Văn Minh LDO | 17/05/2024 15:00

Không tin nổi chuyện một giáo viên chủ nhiệm ở TPHCM đã xử phạt học sinh bằng cách yêu cầu 6 em học sinh lớp 12 cầm ống nhựa đánh vào một học sinh khác trong giờ học.

Em K - học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, ở quận 3, TP.HCM. Hôm nọ là ngày kiểm tra hồ sơ thông tin đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, dù đã nhắc rất nhiều lần, nhưng K đã đi học trễ nên cô giáo chủ nhiệm D không kiểm tra được hồ sơ của K.

Để phạt K, cô D đã yêu cầu 6 học sinh khác cầm ống nhựa đánh vào người K ngay trước lớp.

Cũng giống như nhiều vụ việc tương tự khác, sau khi phụ huynh lên tiếng, báo chí vào cuộc, lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Thị Diệu đã có phản ứng rất nhanh nhạy khi yêu cầu cô giáo D viết tường trình về vụ việc, trên cơ sở đó sẽ xem xét, áp dụng các hình thức xử lý.

Cô giáo D cũng đã “nhận sai, hiểu rằng biện pháp xử lý học sinh như vậy là không đúng. Cô D xin chịu trách nhiệm, nhận mọi hình thức xử lý của nhà trường".

Nhà trường cũng dự kiến trong hôm nay (17.5) sẽ có buổi gặp gỡ giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp này cùng phụ huynh để trao đổi cũng như gửi lời xin lỗi đến phụ huynh…

Quy trình xử lý như vậy là ổn, văn minh và trách nhiệm, không có gì đáng nói. Nhưng điều đáng bàn ở đây là tính chất nghiêm trọng, rất phản giáo dục của vụ việc.

Trước hết, phải khẳng định, không phải trường học nào, giáo viên nào trên cả nước cũng có cách xử phạt học sinh kiểu phản giáo dục, kiểu như cổ xúy cho bạo lực học đường như cô giáo D.

Nhưng trên phạm vi cả nước, trong thời gian qua, những vụ việc có tính chất cổ xúy cho bạo lực học đường, hay bạo lực học đường có yếu tố, có sự tham gia trực tiếp và gián tiếp của các thầy cô như thế này là khá nhiều. Nó đủ để trở thành một hiện tượng báo động, rất đáng quan ngại trong môi trường giáo dục.

Điển hình như vụ cô giáo ở Quảng Bình phạt học trò đến 231 cái tát gây xôn xao dư luận mấy năm trước. Hay gần nhất là một học sinh lớp 12 ở Hà Nội bị cô giáo chủ nhiệm túm cổ áo, kéo lê ở hành lang lớp học chỉ vì mua bánh không đúng yêu cầu.

Rồi một thầy giáo, cũng ở ở Hà Nội, xưng "mày - tao", chỉ tay vào mặt học sinh và mắng "hiểu chưa con chó" ngay trong lớp học. Một học sinh lớp 4 ở Thanh Hóa, bị cô giáo dùng roi tre đánh bầm tím lưng do không chịu làm bài tập...

Bạo lực học đường nhức nhối như lâu nay, trong cả hai vế nguyên nhân và giải pháp đang được thực thi, ngoài yếu tố giáo dục gia đình thì vai trò của giáo viên, đặc biệt là các giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, ngăn chặn, xử lý…

Tuy nhiên, thầy cô giáo, thay vì luôn là gương sáng để học sinh của mình soi chiếu thì trong nhiều trường hợp lại trở thành những tấm gương lem luốc về bạo lực và những chuyện gần với bạo lực, gây tổn thương đến học sinh của mình.

Cô giáo D dĩ nhiên phải chịu trách nhiệm về hành vi xử phạt học sinh rất phản giáo dục của mình cũng như cần phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc của nhà trường.

Và lần nữa, đây là bài học đau không chỉ riêng với lãnh đạo và giáo viên Trường PTTH Nguyễn Thị Diệu mà của ngành Giáo dục.

Nhưng điều mà ngành Giáo dục cần không phải là những bài học đi kèm với những án kỷ luật như thế này.

Bởi một khi vẫn còn tình trạng tham gia hay tiếp tay của chính những thầy cô giáo, thì vấn đề bạo lực học đường không những không ngăn chặn được mà sẽ còn nặng thêm!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn