MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh đề nghị giáo viên không nên kiểm tra bài cũ theo hình thức gọi tên bất chợt. Ảnh minh hoạ của Vân Trang.

Giáo viên không gọi học sinh trả bài bất chợt là một bước tiến của giáo dục

Hoàng Văn Minh LDO | 17/09/2023 11:23

Đang có những tranh cãi quanh đề nghị giáo viên không gọi học sinh trả bài bất chợt của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP.Hồ Chí Minh.

Cụ thể, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh đề nghị giáo viên không nên kiểm tra bài cũ theo hình thức gọi tên bất chợt vào đầu giờ, khiến học sinh mang tâm lý sợ sệt, nặng nề khi đến lớp.

Theo ông Quốc, lâu nay các chỉ đạo chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo không bắt buộc giáo viên gọi học sinh trả bài trước mỗi tiết học. Tuy nhiên, nhiều thầy cô vẫn áp dụng do thói quen dạy học nặng về truyền thụ kiến thức.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh cũng có đề nghị tương tự tại cuộc họp triển khai năm học mới ở Quận 3.

Ông Hiếu dẫn hình ảnh: Sáng sớm, học sinh ngồi trên xe ba mẹ chở đi học, vừa ăn vừa cầm cuốn vở học vì sợ thầy cô kêu trả bài. Và ông cho rằng những kiến thức hỏi bất chợt không mang lại nhiều giá trị.

Đề nghị của lãnh đạo Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh được cho là gặp phải sự không đồng tình của số đông các giáo viên đang đứng lớp ở các cấp học của nhiều địa phương.

Lý do họ đưa ra, rằng gọi học sinh trả bài trước mỗi tiết học là một “truyền thống giáo dục” đã có từ hàng chục năm nay và hiện vẫn đang phổ biến. Bây giờ bỗng dưng không bắt trả bài nữa thì học sinh sẽ đâm ra thả lỏng, chủ quan, sẽ không có kiến thức.

Đây cũng là lý do rất “truyền thống” của “trường phái” học để có cái mà thi, thay vì hướng đến việc học để hiểu biết, để ứng dụng trong cuộc sống…

Lại có ý kiến cho rằng không nên “đề nghị” vì theo chương trình giáo dục mới, giáo viên được chủ động trong kiểm tra, đánh giá.

Tuy nhiên, theo ông Quốc thì có nhiều cách ôn tập bài cũ mà không nhất thiết phải buộc học sinh thuộc lòng.

Cụ thể, công văn 5512 của Bộ hướng dẫn rõ việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện qua các hình thức: hỏi - đáp, viết, thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập.

Với mỗi hình thức, khi đánh giá bằng điểm số, giáo viên phải thông báo trước cho học sinh về các tiêu chí đánh giá và định hướng tự học.

Để xây dựng được một “trường học hạnh phúc” thì cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, việc giáo viên bắt đầu mỗi tiết dạy không còn làm học trò thót tim, xanh mặt khi bất ngờ gọi tên dò bài cũ và thay vào đó bằng nhiều hình thức nhẹ nhàng, sinh động… là một trong những viên gạch có tính nền móng.

Vậy nên, đề nghị giáo viên không nên kiểm tra bài cũ theo hình thức gọi tên bất chợt vào đầu giờ của lãnh đạo Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh là một bước tiến của giáo dục.

Đề nghị này cần được ủng hộ và nhân rộng ở hầu khắp các trường học trong cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn