MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người tìm việc tại TPHCM mong muốn mức lương cao. Ảnh: Tú Linh

Giáo viên lương hơn 3 triệu đồng/tháng sống sao nổi ở thành phố đắt đỏ nhất nước?

Lê Thanh Phong LDO | 08/02/2023 11:15

Trong ba năm học từ 2020-2021 đến nay, đã có tổng cộng 219 cán bộ quản lý, 2.483 giáo viên rời khỏi ngành giáo dục ở thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), trong đó có 1.233 người nghỉ việc.

Trong năm học này, ở cấp tiểu học, TP HCM thiếu 1.758 lớp học, phòng học; thiếu 3.643 giáo viên, tương đương 12,8% số lượng giáo viên cần có.

Nhưng mối nguy còn ở chỗ, giáo viên nghỉ việc ngày càng nhiều, ai sẽ lấp vào khoảng trống đó. Cho nên, ngày 7.2, Sở Giáo dục Đào tạo TP HCM tổ chức lấy ý kiến về việc xây dựng đề án thu hút giáo viên tiểu học tại TP HCM.

Hiện nay, do thiếu giáo viên, nên mỗi thầy cô phải gánh công việc nhiều hơn 12,8% so với số lượng công việc họ chịu trách nhiệm. Nếu cứ thêm một giáo viên nghỉ việc, thì gánh nặng đổ thêm xuống trên vai người còn lại. Thế là không chịu nổi, lại có thêm giáo viên tiếp tục nghỉ, rất khó để có thể ngăn được.

TPHCM không tuyển dụng đủ giáo viên tiểu học vì lý do thu nhập, đối với giáo viên ngoại ngữ, chỉ tuyển được xấp xỉ 25% so với nhu cầu. Vậy thì làm sao đủ thầy dạy ngoại ngữ cho học sinh?

Việc dồn lên vai, nhưng đồng lương vẫn như cũ, và thấp đến vô lý, đến tủi thân, đến mức không thể chấp nhận được.

Cụ thể, lương của giáo viên mới tuyển dụng sau khi đã trừ bảo hiểm xã hội, là 3,3 triệu đồng/tháng. Xin hỏi, với số tiền này, sống như thế nào ở thành phố đắt đỏ nhất nước?

Ngoài đi lại, ăn mặc, con người ta còn bao nhiêu thứ chi tiêu khác, rồi khi ốm đau bệnh tật, tất cả chỉ trông cậy vào hơn 3 triệu đồng bạc, không bỏ việc mới là chuyện lạ.

Theo báo cáo thị trường lao động trước và sau Tết Quý Mão 2023 của Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, dựa trên khảo sát với 1.981 lượt doanh nghiệp - 28.529 chỗ làm việc, cho thấy mức lương từ 10 – 15 triệu đồng/tháng chiếm 28,97%; mức lương từ 15 – 20 triệu đồng/tháng chiếm 10,82%. Mức lương trên 20 triệu đồng/tháng chiếm 10,55%.

Trong lúc đó, mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng chiếm 4,28% tổng nhu cầu tập trung ở các vị trí việc làm như lao động thời vụ, tạp vụ, nhân viên bảo vệ, nhân viên bán hàng, phục vụ nhà hàng...

Có nghĩa là, mức lương 5 triệu đồng chiếm tỉ lệ rất thấp và chỉ trả cho lao động thời vụ, lao động không qua đào tạo, không có tay nghề. Vậy mà còn cao hơn giáo viên tiểu học tới gần 2 triệu đồng.

Nếu không có sự thay đổi, rồi đây ai sẽ đi học ngành sư phạm để ra làm thầy cô giáo dạy tiểu học?

Nếu có người còn theo nghề, thì liệu có thể hết lòng với nghề nghiệp, dạy tốt khi mà họ không thể sống tử tế với đồng lương của mình?

Câu trả lời đã quá rõ qua chính thực tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn