MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng vừa yêu cầu không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hoạt động vận tải hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Cảnh đổ đất cấm đường ở Quảng Ninh tháng 3.2020. Ảnh: TP.

Gìn giữ huyết mạch

Anh Đào LDO | 08/06/2021 12:48

Lái xe vận chuyển nông sản xuất khẩu qua biên giới được ưu tiên tiêm vaccine, được cấp hộ chiếu vaccine. Đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quá muộn, nhưng muộn còn hơn không!

“Sự lúng túng trong tiêu thụ nông sản ở Bắc Giang cho thấy bài học “giải cứu nông sản ở Hải Dương” trong đợt dịch trước chưa thực sự được rút ra”- nhận định của Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng.

Một ví dụ khác mà ông Hùng cũng nêu là “câu chuyện kiểm tra tình trạng khai báo y tế làm phát sinh ùn tắc giao thông tại các chốt ra vào quận Gò Vấp, TP.HCM...; rồi tỉnh Đồng Nai yêu cầu người từ TP.HCM về phải cách ly y tế 21 ngày…".

Gần 2 năm. Qua 4 đợt dịch bệnh, nhưng những lúng túng trong quản lý vận tải khiến cho mạch máu kinh tế này không ít lần ngưng trệ.

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương cần thống nhất áp dụng quản lý vận tải bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hoạt động vận tải hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh cần trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải.

Câu chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu lái xe chở nông sản xuất khẩu, cả những lái xe chở nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất được ưu tiên tiêm vaccine, được cấp "hộ chiếu vaccine".

Bởi nếu đề nghị này được chấp thuận và thực hiện sớm, sẽ lợi đôi ba đường.

Một doanh nghiệp vận tải từng tính toán: Chỉ riêng quy định lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng RT-PCR thì với 145 lái xe, mỗi người ít nhất vài ba lượt làm xét nghiệm, từ đầu dịch đến giờ phải chi ít nhất tầm 500 triệu đồng. Và chi phí này, tính ra, còn đắt hơn số tiền đủ để mua vaccine.

Cái lợi đầu tiên thuộc về doanh nghiệp vận tải.

Cái lợi thứ hai, thuộc về chuỗi cung ứng khi thực tế đợt dịch thứ tư đang khiến rất nhiều khu công nghiệp phải đóng cửa, sản xuất phải tạm dừng. Và khi sản xuất ổn định trở lại thì lại gặp khó trong vận tải nguyên nhiên liệu khiến chuỗi cung ứng toàn cầu mà chúng ta là một mắt xích bị đứt gãy.

Cái lợi thứ ba, cái lợi lớn nhất là chính bản thân nền kinh tế khi vận tải hàng hoá thông suốt.

Bên cạnh việc chống dịch, một trong những nhiệm vụ trọng yếu không kém là phải đảm bảo sản xuất cơ mà?!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn