MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công viên nước hồ Thủy Tiên Ảnh: Phúc Đạt

Giữ Công viên nước hồ Thủy Tiên - Huế là điểm du lịch bỏ hoang, tại sao không?

Lê Thanh Phong LDO | 28/06/2024 15:00

Một điểm đến bỏ hoang của Việt Nam lọt vào "mắt xanh" của các tạp chí du lịch quốc tế, trở thành điểm du lịch nổi tiếng thế giới, đó là Công viên nước hồ Thủy Tiên ở Huế.

Thật bất ngờ khi Công viên nước hồ Thủy Tiên được sánh ngang hàng với Tháp chuông Lago di Resia (Nam Tyrol, Italy); Mỏ muối Salina (Romania) hay Ga tàu điện ngầm Tòa thị chính, New York (Mỹ)...

Thế giới có những điều độc đáo, lạ lùng vì những thứ bỏ hoang tưởng chừng như vứt đi đôi lúc lại trở thành quý giá. Quý giá bởi chính sự hoang tàn của nó.

Không chỉ những di tích lịch sử, văn hóa trở thành phế tích, du khách tìm đến để đọc lại những trang sử bằng cách chạm tay vào từng phiến đá, viên gạch đổ nát, mà đôi khi, con người còn có nhu cầu chạm đến những "phế tích" do sự tình cờ ngẫu nhiên cuộc sống hôm nay tạo ra.

Công viên nước hồ Thủy Tiên là một sản phẩm "phế tích" thú vị đó.

Công viên được xây dựng vào năm 2001 với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỉ đồng và bắt đầu đón khách tham quan vào giữa năm 2004. Nhưng vì khai thác kinh doanh kém hiệu quả, cộng với nhiều lý do khác, công viên đã không được hoàn thiện các hạng mục còn dang dở.

Điểm nhấn của công viên này là tượng rồng khổng lồ, khi bị bỏ hoang càng trở nên "ma quái". Và nhờ sự rùng rợn ma quái đó mà nhiều tờ báo nước ngoài như Huffington Post, CNN nhắc tên Công viên nước Hồ Thủy Tiên - Huế của Việt Nam.

Không phải chỉ "mắt xanh" của các tạp chí du lịch quốc tế phát hiện ra giá trị của Công viên này, mà du khách trong nước cũng có "con mắt tinh đời" đó. Trong bài "Du khách không muốn tượng rồng khổng lồ ở Huế bị phá dỡ" đăng ngày 5.6.2024 trên Báo Lao Động, nhiều người dân ở Huế và du khách tỏ ra tiếc nuối, mong muốn giữ lại công trình “ma mị” này.

Có người còn quả quyết rằng, đây là một công trình có một không hai trên thế giới, cần được khai thác hiệu quả.

Và sự quả quyết đó được chứng minh khi Công viên nước hồ Thủy Tiên lọt vào danh sách những nơi bỏ hoang nhưng đẹp kỳ lạ của thế giới.

Từ những điều xảy ra trong cuộc sống, những phản ứng tích cực đối với điểm du lịch này ngay cả khi nó trong tình trạng hoang tàn, cho thấy làm du lịch cần có tư duy đột phá, trí tưởng tượng phong phú. Không phải cái gì chỉn chu, ngăn nắp cũng hấp dẫn, mà đổ nát hoang tàn, rùng rợn ma mị lại là một sản phẩm vượt lên cả sự hấp dẫn.

Huế nên khai thác như thế nào để Công viên nước hồ Thủy Tiên thu hút được du khách trong nước và quốc tế, xứng danh là điểm đến "đẹp kỳ lạ của thế giới"?

Báo chí quốc tế đã PR không công cho Huế rồi đó!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn