MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Lương Hà

Giữ nguyên Khu bảo tồn Tiền Hải là quyết định đúng của tỉnh Thái Bình

Hoàng Văn Minh LDO | 14/03/2024 09:37

Một tin rất vui, không chỉ cho riêng Thái Bình, là địa phương này quyết định sẽ giữ lại 12.500ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải thay vì thu hẹp để phát triển đô thị hướng biển như dự kiến trước đây.

Cụ thể, trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, Thái Bình tiếp tục quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có diện tích 12.500ha để phát triển rừng, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động của gió, bão, thủy triều dâng.

Đây là một thông tin khá bất ngờ với nhiều người bởi trước đó, khu bảo tồn này dự kiến sẽ bị thu hẹp xuống còn 1.300ha (thu hẹp gần 90% diện tích) theo như Quyết định 731 gây nhiều tranh cãi mà UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành ngày 17.4.2023 nhằm phục vụ cho quy hoạch khu kinh tế.

Quyết định này đã gặp phải sự tranh cãi cũng như nhiều ý kiến phản đối của người dân, các chuyên gia, tổ chức quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa trong, ngoài nước và các một số bộ ngành.

Trong đó, đáng chú ý là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lên tiếng cho rằng không thể đánh đổi cả một khu bảo tồn để phát triển kinh tế như Thái Bình.

Còn Bộ Tài Nguyên và Môi trường thì phát văn bản gửi UBND tỉnh Thái Bình nói rằng quyết định thu hẹp Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế.

Cũng may là cuối cùng, UBND tỉnh Thái Bình đã chịu lắng nghe các ý kiến phản biện và kịp thời dừng lại việc “đánh đổi”. Đây là một sự may mắn, một tin rất vui không chỉ cho riêng Thái Bình. Bởi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là một trong hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận.

Với quyết định này, Thái Bình không những giữ nguyên, không tác động cơ học đến môi trường, thiên nhiên của khu bảo tồn mà còn không đi ngược cam kết quốc tế của Việt Nam về đa dạng sinh học. Cũng như không đi ngược cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.

Mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế xã hội là vấn đề muôn thuở và đến nay vẫn chưa có lời giải phù hợp. Nên cuối cùng, bảo tồn di sản văn hóa, di sản thiên nhiên hay “lấy đất” cho phát triển kinh tế, suy cho cùng là một sự lựa chọn của chính quyền các địa phương có di sản và cả những cấp cao hơn.

Việc quyết định giữ nguyên 12.500ha diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải dĩ nhiên là một sự lựa chọn đầy khó khăn đối với lãnh đạo tỉnh Thái Bình đương nhiệm. Vì địa phương phải chấp nhận “hi sinh” những con số rất lớn về kết quả phát triển kinh tế, giải quyết nhu cầu trước mắt của bộ phận người dân với mục tiêu "hướng biển".

Nhưng quyết định này lại là một sự sáng suốt, rất đáng hoan nghênh. Thái Bình chắc chắn sẽ được nhiều hơn là mất. Bởi di sản văn hóa, di sản thiên nhiên cũng là một loại "vốn xã hội" có tính đặc biệt. Nó không chỉ mang lại giá trị tinh thần mà còn gián tiếp và trực tiếp tạo ra những giá trị vật chất vô cùng to lớn nếu biết khai thác đúng cách!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn