MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một diện tích lớn rừng bị tàn phá trong 2 vụ việc vừa bị khởi tố tại Quảng Bình. Ảnh: Cộng tác viên

Gỗ rừng chứ đâu phải cái kim?

LÊ PHI LONG LDO | 03/04/2023 16:43

Liên tiếp nhiều vụ phá rừng vừa bị phát hiện, khởi tố tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương khác trong thời gian vừa qua đã và đang gây “nóng” dư luận.

Mới đây nhất, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh và huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “hủy hoại rừng” xảy ra trên địa bàn.

Hay tại Quảng Trị, cách đây vài ngày, ngoài việc khởi tố vụ án để điều tra, xử lý các đối tượng tham gia phá rừng nghiêm trọng ở xã Đakrông, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã kỷ luật các cán bộ, lãnh đạo vì buông lỏng quản lý.

Câu chuyện phá rừng hiện đang là vấn đề gây bức xúc ở nhiều địa phương trên cả nước.

Đặc điểm chung của các vụ phá rừng vừa phát hiện đều là một diện tích lớn rừng bị phá, trong đó có cả rừng phòng hộ, nhiều cây có đường kính lớn, các đối tượng phá đã vài tháng trước và không bị… ai phát hiện.

Không bị ai phát hiện - nghe rất lạ nhưng cũng đang rất là thật, mặc dù để phá được chừng ấy diện tích rừng, “lâm tặc” không thể làm ngày một, ngày hai mà phải có thời gian.

Và rồi, khi phát hiện rừng bị phá, ai cũng nói đến vấn đề trách nhiệm. Nhưng khi nói đến trách nhiệm, là câu chuyện đổ lỗi cho nhau.

Có một điều chắc chắn rằng, giữ rừng không riêng gì là trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm. Và mặc dù rừng đã được giao trách nhiệm quản lý cụ thể nhưng thực tế một số nơi lại đang rơi vào tình trạng vô chủ, “cha chung không ai khóc”.

Bàn về chuyện phá rừng, có đại biểu đã từng đặt vấn đề tại nghị trường Quốc hội, rằng phải chăng có sự bao che, tiếp tay, thiếu tinh thần trách nhiệm quản lý của một bộ phận cán bộ chính quyền; và cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm được giao?

Điều đó cho thấy, phải xây dựng cơ chế quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, tổ chức để xử lý nghiêm. Đồng thời, cần phải xem xét công tác quản lý và sử dụng cán bộ tại địa phương, vì đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý rừng phòng hộ bị lỏng lẻo, khiến rừng bị phá nát.

Và quan trọng hơn, phải làm rõ việc có hay không tình trạng bảo kê “lâm tặc” của những người có nhiệm vụ. Gỗ rừng chứ có phải cây kim bỏ trong túi đâu mà lực lượng chức năng không biết?

Bộ NNPTNT thừa nhận tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật tại một số địa phương còn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Thống kê cho thấy, năm 2016 - 2019, diện tích rừng thiệt hại lên tới 7.283 ha, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430 ha rừng.

Tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng từ nhiều năm trước là giải pháp kịp thời và cần thiết nhằm bảo vệ tài nguyên rừng. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra cho thấy rằng, rừng vẫn đang “chảy máu”. Và khi không làm rõ trách nhiệm của lực lượng giữ rừng thì chuyện phá rừng quy mô lớn sẽ không bao giờ dừng lại!

Bảo vệ rừng là nhiệm vụ rất cấp bách, và người dân không cần nghe những lời biện minh khi rừng bị tàn phá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn