MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công Hoàng đưa ra quan điểm chọn vợ bị "ném đá" tại "Hành lý tình yêu". Ảnh: NSX.

Góc nhìn tích cực từ vụ Công Hoàng bỏ vợ nếu không sinh con trai

Lê Thanh Phong LDO | 02/12/2021 15:31
"Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai" - Công Hoàng, chàng trai Huế 30 tuổi đã nói như vậy và ngay sau đó bùng lên những phản ứng giận dữ từ dư luận, đặc biệt là người Huế.

Công Hoàng đã có lời xin lỗi: "Tôi muốn gửi một lời xin lỗi chân thành đến khán giả và đặc biệt là khán giả Huế vì đã khiến mọi người có những cảm xúc không tốt khi xem phần xuất hiện của tôi trên sóng".

Hãy bỏ qua cho Công Hoàng, bởi vì bạn đã có lời xin lỗi. Và đằng sau những câu nói của bạn có bàn tay của nhà sản xuất, cho nên bạn cũng bị phụ thuộc vào sự sắp xếp của người trả tiền cho bạn. Như Công Hoàng trao đổi với phóng viên Lao Động là có hợp đồng trước khi lên sóng, "tôi sẽ làm việc với bên nhà sản xuất "Hành lý tình yêu" và sẽ có một câu trả lời thỏa đáng nhất".

Vụ này có hai điều tích cực, một là qua đó, các cơ quan quản lý chấn chỉnh lại các chương trình game show, đừng để những thứ chưa được thẩm định kỹ lưỡng, thậm chí xúc phạm văn hoá vùng miền lên sóng. Những thứ này chỉ có lợi cho nhà sản xuất, nhưng gây "hại não" cộng đồng.

Có nhiều ý kiến cho rằng các chương trình này là loại nhảm nhí. Có thể nhận xét này hơi khắt khe nhưng sự nguy hiểm chính là ở chỗ tác hại mà các chương trình này tạo ra. Dần dần, những thứ nhảm nhí này trở thành "lương thực văn hóa" của cộng đồng thì đại nguy.

Điều tích cực thứ hai là trong xã hội vẫn còn có hiện tượng 'trọng nam khinh nữ" cần phải đả phá. Chương trình trên nếu không để Công Hoàng vu vạ cho người Huế và văn hóa Huế mà nói đến hiện tượng chung, cách thể hiện nghiêm túc, thì vẫn có giá trị.

Hãy xem phản ứng của xã hội trước những phát ngôn và quan điểm của Công Hoàng để thấy có những thứ quan điểm tàn dư cổ hủ, lạc hậu cần phải khai tử để xã hội văn minh hơn.

Trong đó không chỉ là bình đẳng nam nữ, quan hệ vợ chồng, mà còn ứng xử giữa cha mẹ với con cái, cấp trên với cấp dưới, thầy cô với học trò, và nhiều quan hệ khác.

Trong quan hệ xã hội có trật tự thứ bậc, có trên có dưới, cấp dưới chấp hành mệnh lệnh cấp trên nhưng cấp trên cũng phải tôn trọng cấp dưới và tôn trọng nhau.

Sự tôn trọng con người là giá trị văn minh, và đó cũng là nét văn hóa đẹp cần giữ gìn và phát huy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn