MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội thường xuyên tắc đường. Ảnh: Tô Thế

Hà Nội cấm xe máy: Nói nhiều rồi, làm thật đi!

Lê Thanh Phong LDO | 06/12/2021 16:22
Sau năm 2025, Hà Nội sẽ cấm xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường Vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm. Đây là một hướng nghiên cứu như những đề án đã nghiên cứu trước đây.

Người dân đã nghe quá nhiều về các đề án liên quan đến dừng hoạt động xe máy, nhưng nói mãi vẫn không làm, vì bế tắc trong các giải pháp thay thế.

Có một điều ai cũng thấy rõ, đó là Hà Nội bị tắc đường và ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là điều không ai muốn, người dân Thủ đô không thể sống trong tình trạng nguy hiểm này, nhưng không có cách lựa chọn nào khác. Tất cả phải chờ đợi các giải pháp từ chính quyền.

Tính đến năm 2020, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó khoảng 5,7 triệu xe máy và gần 700.000 ôtô các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Hà Nội.

Theo số liệu từ năm 2019, mỗi tháng, Hà Nội đăng ký mới khoảng 27.000 phương tiện, trong đó ôtô khoảng 5.000, xe máy khoảng 22.000. Với tốc độ tăng này, thì ai cũng có thể thấy rõ, khoảng đến năm 2025, Hà Nội không có đủ đường cho xe cộ đi lại.

Chưa kể, với số lượng xe tăng nhanh như vậy, Hà Nội không còn nhiều không gian cho cây xanh, công viên, lề đường, bởi vì ôtô và xe máy lấn dần, ai cũng phải kiếm cho mình chỗ đậu xe.

Và đương nhiên, với số lượng xe này, thì khí thải càng đậm đặc, con người sống trong bầu không khí ô nhiễm, Hà Nội vẫn được gọi tên là thành phố ô nhiễm số 1 thế giới.

Biết vậy nhưng khi một chính sách được đưa ra, nếu có hạn chế đến quyền đi lại của người dân, thì sẽ gặp phản ứng gay gắt và cấm xe máy là điển hình nhất.

Chúng ta phải đặt câu hỏi, vì sao nhiều quốc gia trên thế giới làm được, nhưng bao nhiêu năm nay Việt Nam vẫn loay hoay với những đề án trên giấy và trong phòng lạnh, còn trên thực tế, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ lực của tất cả đô thị.

Câu trả lời chính là sự hạn chế về tầm nhìn chiến lược giao thông đô thị và năng lực quản lý của các địa phương, không giải quyết được hai vấn đề này, thì xe máy vẫn mãi mãi là xe máy.

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chỉ giải quyết được một tuyến đường, Hà Nội còn bao nhiêu tuyến đường cần những con đường trên cao.

Bỏ xe máy, người dân sẽ đi taxi, xe công nghệ, xe đạp, kể cả đi bộ, nhưng phương tiện công cộng phải là chủ lực.

Cũng đừng chờ có đủ phương tiện công cộng mới cấm xe máy, bởi vì điều đó sẽ không xảy ra. Mà có chiến lược phù hợp để hạn chế dần xe máy song song với phát triển phương tiện giao thông công cộng.

Người dân cũng thay đổi nhận thức, sẵn sàng hợp tác với chính quyền khi thực hiện các đề án vì mục tiêu giải quyết nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn