MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu chữ C Chùa Bộc- Phạm Ngọc Thạch vừa xin lùi tiến độ lần thứ hai, và lùi sang 2023. Ảnh: Hà Phương

Hà Nội tuyên chiến với dự án rùa bò?

Đào Tuấn LDO | 05/11/2022 14:00

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký quyết định thành lập một Ban chỉ đạo do Chủ tịch Trần Sỹ Thanh làm trưởng ban. Ban có trách nhiệm thúc đẩy các dự án chậm tiến độ của chính Thành phố mà ông Thanh là Chủ tịch.

Tin không vui là dự án cầu chữ C, một trong những công trình giao thông trọng điểm, tại một trong những ngã tư ùn tắc bậc nhất thành phố là nút Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch lại vừa xin lùi tiến độ tới quý I/2023.

Câu các bạn vừa đọc dài 46 chữ, đọc muốn đứt hơi. Nhưng nó quá ngắn so với tình trạng ùn tắc ở nút giao này nói chung, ở thành phố nói riêng.

Đây đã là lần thứ hai dự án cầu chữ C xin lùi tiến độ. Và lý do lần này là vì “việc vận chuyển dầm thép gặp vướng mắc”. Cụ thể: Vì dầm được sản xuất ở Hải Phòng và Hưng Yên, việc vận chuyển không thuận lợi trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn giao thông.

Lý do rất là lý do. Cứ như thể nó vừa từ trên trời rơi xuống vậy.

Nhưng không chỉ cầu vượt chữ C chậm tiến độ. Rất nhiều dự án, chẳng hạn, mở rộng đoạn Âu Cơ - Nghi Tàm, chẳng hạn, 100% các dự án đường sắt đô thị... đều chậm tiến độ.

Chậm rất lâu, rất sâu. Xin lùi rất đáng sợ. Có dự án xin lùi đến năm 2029.

Vừa xong, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa bày tỏ rất không hài lòng khi các dự án tiêu thoát nước đều đang chậm tiến độ.

Thường trực Thành ủy đã trực tiếp kiểm tra 4 dự án: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; Dự án cải tạo hệ thống tiêu thoát nước khu vực Tây Hà Nội; Dự án cải thiện hệ thống từ Cầu Am đến La Khê; và Dự án hệ thống công bao cho Sông Tô Lịch. Kết quả kiểm tra 4 thì cả 4 đều chậm tiến độ.

Một cách thẳng thắn, Bí thư Đinh Tiến Dũng nói đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng “cứ mưa là ngập” ở Thủ đô. Bởi tình trạng đã đến mức nghiêm trọng: Không chỉ khu vực chưa được đầu tư hệ thống thoát nước bị ngập mà cả khu vực đô thị cũ hay mới, nơi đã được đầu tư cũng đều chung tình trạng là ngập.

Một cách thực tế, chính Bí thư nói các giải pháp đang được áp dụng mỗi khi xảy úng ngập chỉ là “tạm thời”, “chỉ để giải quyết tình huống”. Và “căn cơ”, lâu dài cho “vấn đề rất hệ trọng và bức thiết” của Thành phố phải là các công trình chống úng ngập.

Và quan trọng hơn là tiến độ các công trình.

Việc Hà Nội lập Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm cho thấy quyết tâm rất lớn của Thành phố trong việc cải thiện tình trạng “rùa bò”.

Nhưng Ban chỉ đạo đó sẽ là thừa, nếu vẫn không ràng buộc, vẫn không xử lý được trách nhiệm người đứng đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn