MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Hạn chế tối đa đi công tác nước ngoài

Lê Thanh Phong LDO | 15/07/2017 06:27
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới ký ban hành Chỉ thị số 29 nêu rõ, với mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,4 - 6,8% trong năm 2018, một yêu cầu quan trọng là phải tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ôtô và trang thiết bị đắt tiền, mở rộng thực hiện khoán xe công. Hai chữ tiết kiệm được nhắc đi nhắc lại trong nhiều văn bản, nhiều hội nghị suốt mấy năm nay, nhưng việc thực hiện lời kêu gọi này trong thực tế chưa nghiêm túc.

Thoát nghèo sao được khi bộ máy hành chính công hoạt động kém hiệu quả nhưng chi tiêu không chặt chẽ.

Đi nước ngoài nhiều, hết đoàn này đến đoàn khác như đi trẩy hội để làm gì? Một đoàn đi nước ngoài, tiêu xài không biết bao nhiêu tiền. Không ít người đi ghi ghi chép chép vài điều, chụp vài tấm ảnh, dự vài buổi tiệc, rồi ăn ở, rồi đi lại, rồi mua sắm quà cáp, không xót tiền thuế của dân.

Vậy nên hiệu quả của nhiều đoàn đi nước ngoài gần như không thu được gì.

Còn đó những “nhân tố điển hình” như Cà Mau, Tiền Giang cử đoàn cán bộ sang Mỹ học tập kinh doanh vé số, Đà Nẵng cử tài xế đi ba nước xúc tiến đầu tư thương mại. Quảng Nam cử đoàn cán bộ “hoàng hôn nhiệm kỳ” đi Nam Phi học tập kinh nghiệm công tác quy hoạch, xây dựng khu đô thị, bảo tồn thiên nhiên... Xin phép được “chấm chấm” vì không đủ giấy để ghi thêm.

Không dân nào gánh nổi những đoàn du lịch núp bóng học tập nghiên cứu này.

Mới toanh là đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games tại Malaysia, có đến 10 phó đoàn và 18 cán bộ đi theo. Đại diện ngành còn bao biện là có nhiều việc nên phải cử nhiều cán bộ lãnh đạo giải quyết.

Không chỉ hạn chế đi công tác nước ngoài, mà phải giảm tối đa các đoàn công tác trong nước. Nhiều trường hợp được bố trí vào đoàn công tác chỉ là đi chơi, nhưng phải chi phí máy bay, khách sạn, công tác phí, cơ sở đón tiếp, quà cáp, chi phí dù của khách hay chủ phần lớn đều là tiền thuế của dân.

Hãy khai thác tối đa công nghệ thông tin, hội họp trực tuyến, giảm một vé máy bay là tích luỹ thêm được chút tiền để trả nợ.

Và phải hạn chế luôn cán bộ đi lại bằng vé máy bay hạng thương gia, đó mới là thực hành tiết kiệm bằng hành động cụ thể. Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm gương bằng việc đi dự WEF-ASEAN 2017 bằng máy bay thương mại. Mỗi chuyến chuyên cơ rất tốn kém, cho nên bớt được chuyến nào hay chuyến đó.

Thủ tướng làm gương thì quan chức khác phải noi theo, hãy gần dân, vì dân ngay từ chiếc vé máy bay bình dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn