MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe 5 chỗ bẹp dí sau vụ tai nạn liên hoàn làm 3 người chết trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn sáng 18.2. Ảnh: Phúc Đạt

Hàng chục trạm dừng nghỉ cao tốc vẫn còn “nằm trên giấy” là khó chấp nhận

Hoàng Văn Minh LDO | 19/02/2024 19:30

Nhiều trong số các sự kiện gây xôn xao đầu năm mới không hiểu sao lại có liên quan đến hai chữ “cao tốc”.

Gần nhất là vụ tai nạn liên hoàn rất nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào ngày 18.2 làm 3 người chết.

Nguyên nhân bước đầu được xác định do tài xế xe 7 chỗ (đã bị khởi tố, bắt tạm giam cùng ngày) vượt phải xe container chạy cùng chiều ở đoạn đường cấm vượt, sau đó va vào xe container, bị hất văng sang làn đường ngược chiều và bị xe tải chạy hướng ngược lại đâm trúng.

Tai nạn lần này, cùng với vụ xe khách lao xuống vực hồi cuối năm 2023 làm 2 người chết, 20 người bị thương và là vụ tai nạn giao thông thứ 18 trong hơn 1 năm trở lại đây, thêm lần nữa gióng chuông báo động đỏ về tính an toàn của cao tốc Cam Lộ - Túy Loan.

Như báo Lao Động đã nhiều lần phân tích, gần nhất là bài “Cần những camera giám sát để phạt nguội trên cao tốc La Sơn - Túy Loan”. Đây là tuyến đường cực kỳ nguy hiểm do nhiều đoạn chỉ có 2 làn xe với nhiều đường dốc, cua ngặt… nhưng lại không có camera “chạy bằng cơm” cũng như camera giám sát tốc độ, làn đường để phạt nguội nên lâu nay mạnh ai nấy đua tốc độ.

Đây là một trong những lý do dẫn đến tai nạn và tai nạn liên hoàn làm nhiều người chết và bị thương như đã thấy. Và chắc chắn, tai nạn trên tuyến đường này sẽ còn nhiều nữa nếu cơ quan chức năng không thay đổi cách quản lý, vận hành và các tài xế không thay đổi “thái độ”.

Cũng liên quan đến chuyện cao tốc, Báo Lao Động lại vừa công bố một thông tin rất sốc là từ tháng 8.2023, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt quy hoạch 36 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau. Khoảng cách bình quân giữa các trạm là 59km.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có 7 trạm đã khai thác; hai trạm đang đầu tư và có đến 27 trạm sẽ lựa chọn nhà đầu tư. Như vậy, tại nhiều tuyến cao tốc, các trạm dừng nghỉ mới đang ở dạng quy hoạch, tức vẫn đang "nằm trên giấy".

Hiện có những đoạn cao tốc, như từ Đồng Nai qua Bình Thuận, dài đến 200km nhưng lại không có một trạm dừng đỗ nào.

Điều này không chỉ dẫn tới việc lái xe buộc phải phạm luật khi dừng đỗ trái quy định trên cao tốc để giải quyết “đầu ra” mà còn dẫn đến nhiều chuyện dở khóc dở cười cũng như tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chết người khi hành khách không còn cách nào khác phải đi vệ sinh ngay bên đường.

Đây là điều rất khó chấp nhận bởi dừng nghỉ, vệ sinh trên cao tốc không chỉ là nhu cầu vô cùng thiết yếu, không thể trì hoãn mà còn là vấn đề liên quan đến an toàn và luật lệ.

Phần lớn các tuyến cao tốc ở Việt Nam đang vận hành đều chưa hoàn thiện hạ tầng do buộc phải đầu tư phân kỳ vì lý do thiếu vốn. Đây là điều có thể chấp nhận được dù hậu quả là “một đồng sợ tốn bốn đồng không đủ”.

Nhưng có những phần việc, ví như các trạm dừng chân, camera giám sát tốc độ, làn đường hay cử lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra giám sát thường xuyên trên các tuyến cao tốc là chuyện khẩn thiết, phải làm ngay, không thể “phân kỳ” với bất kỳ lý do nào!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn