MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đây không phải là một ngôi chùa, đây là "phong cảnh" tại hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thành Bình

Hãng phim 0 đồng, bộ phim 0 người xem

Đào Tuấn LDO | 17/03/2023 11:13

“Sống cùng lịch sử” - bộ phim nhà nước có kinh phí 21 tỉ đồng không bán được vé. Còn giá trị thương hiệu hãng phim truyện Việt Nam đã từng được xác định là 0 đồng.

Bức ảnh này không phải là cảnh một ngôi chùa hay một nơi ẩn cư thâm sơn cùng cốc. Đó cảnh hoang tàn tại Hãng phim truyện Việt Nam. Và tại một hội thảo về điện ảnh hôm 14.3, nước mắt của nhiều người đã rơi khi nói về nó.

Nhưng thưa các bạn, “Sống cùng lịch sử”, bộ phim 21 tỉ đồng mà không bán được vé ấy là phim của chính Hãng phim truyện Việt Nam. Còn giá trị thương hiệu của hãng phim từng được xác định là 0 đồng. Cái hồi định giá ấy, Hãng phim đã lỗ triền miên 20 năm. Giá trị doanh nghiệp được xác định là 20 tỉ đồng thì vừa hay, còn đang nợ tiền thuế đất 21 tỉ đồng.

Tại sao lại như thế?

Vì đấy: Những bộ phim nhà nước không bán nổi dù chỉ 1 vé.

Có lẽ, câu chuyện “nước mắt hãng phim” hôm nay là một dịp để chúng ta nghiêm túc nhìn lại sản phẩm “phim nhà nước”.

“Thái sư Trần Thủ Độ” chẳng hạn, một bộ phim được đặt hàng để chiếu vào dịp 1.000 năm Thăng Long. Nhưng đến dịp Đại lễ, phim không chiếu được. 56 tỉ đồng bỏ xó suốt 3 năm, rồi “cho” mà không nhà đài nào muốn chiếu.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng nói: “Bỏ ra hàng chục tỉ đồng sản xuất một dự án phim không ai xem là một sự thất thoát, lãng phí tiền của nhà nước”.

Nhớ hồi phim "Nhà bà Nữ" cháy phòng vé, trong hàng ghế khán giả, có rất nhiều nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn.

Biên kịch “Ma làng”, nhà văn Phạm Ngọc Tiến đánh giá: Thành công của “Nhà bà Nữ” là khán giả tìm thấy mình trong các nhân vật. Mà nhân vật của Trấn Thành thì đậm sệt đời sống như thể họ bước thẳng từ đời sống lên màn ảnh.

Và ông Tiến chốt: Doanh số mới là cái đích quan trọng nhất của cả điện ảnh và truyền hình. Phim phải hay, phải cần cho họ, khán giả mới xem, mới bán được vé, mới thu được tiền.

Còn nhà văn Nguyễn Quang Lập đánh giá phim của Trấn Thành “rất kịch” nhưng khán giả chẳng cần biết kịch hay phim, cine hay ti vi, chỉ cần vui, lôi cuốn, đánh trúng các vấn đề gia đình đương thời.

Và ông nói: “Làm phim ăn khách rất khó, khó gấp mười làm phim ăn giải”.

Nếu phải bỏ ra 21 tỉ đồng để làm một bộ phim không cần quan tâm đến bán được bao nhiêu vé thì Trấn Thành có làm không?!

Hỏi, đã là trả lời.

Vì thế, bản chất chuyện làm phim phải là làm bằng tiền của ai. Tiền mồ hôi nước mắt của cá nhân để phải tính đếm từng xu hay tiền nhà nước, để rồi xếp kho sau đó.

Có tiền nhà nước nào mà không phải là từ tiền thuế của dân đâu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn