MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng New Zealand trực tiếp hái bưởi trong khu vườn của Bác Hồ. Ảnh: VGP

Hàng xa xỉ tỉ USD vượt biên giới

Đào Tuấn LDO | 17/11/2022 10:35

“Chúng ta không buôn chuyến nữa”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu sau khi ký Nghị định thư, khởi động việc xuất khẩu chính ngạch một mặt hàng nửa tỉ USD sang thị trường tỉ dân.

Mặt hàng có mức giá rất xa xỉ có giá trị nửa tỉ USD ở đây là tổ yến.

Còn “thị trường tỉ dân” là Trung Quốc, là “hàng xóm” của chúng ta, là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có trên 22.000 nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến khoảng 120 tấn và giá trị thì đó: Hơn nửa tỉ USD.

Với nghị định thư xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này vào Trung Quốc, nói như Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta hoàn toàn có thể cấu trúc lại ngành nuôi yến và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, cải thiện thu nhập của người nuôi yến và tăng nguồn thu cho doanh nghiệp chế biến yến.

Nhưng quan trọng nhất, với một nghị định thư xuất khẩu chính ngạch, chúng ta sẽ tránh được cảnh “tắc biên”, tránh tình trạng thương lái nước ngoài “tranh mua tranh bán”. Nói như ông Hoan là “chúng ta không đi buôn chuyến nữa”.

Cũng trong hôm qua, Việt Nam và New Zealand ký kết để “mở cửa” cho chanh và bưởi của Việt Nam xuất khẩu sang New Zealand.

Dân số New Zealand tuy chỉ khoảng 5 triệu người, đúng là “chúng ta không chỉ đánh giá thị trường qua số lượng dân số mà còn đánh giá qua chất lượng, tức là nhu cầu về loại nông sản mà người tiêu dùng đánh giá cao”.

Với việc xuất khẩu vào một thị trường áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, trái cây Việt giống như thêm vào hồ sơ của mình một chứng nhận an toàn vậy.

Việc mở thêm một thị trường cho hàng hoá nông sản không hề là đơn giản. Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến vào thị trường Trung Quốc chẳng hạn. Phải mất tới 3 năm đàm phán, đáp ứng rất nhiều yêu cầu của thị trường, vấn đề về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm… Và còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo các yêu cầu của thị trường, để hàng hoá không bị “trả về địa phương”.

Nhưng mở cửa được thị trường để hàng hoá vượt biên giới, rõ ràng, đó là một thắng lợi. Một “lối thoát” đúng chẳng những đảm bảo sự ổn định mà còn gia tăng giá trị rất lớn.

Mà để nông dân không phải “buôn chuyến” thì rõ ràng, thị trường tỉ dân hay thị trường 5 triệu dân đều quan trọng như nhau. Bởi hàng hoá nói chung và nông sản Việt nói riêng khi đã “vượt biên giới” không đơn thuần chỉ là hàng hoá nông sản, cũng không chỉ là hình ảnh mà còn là vấn đề thương hiệu... cần phát huy và gìn giữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn