MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hậu nghỉ Tết và lời cảnh báo về chất lượng năng suất lao động

Hoàng Lâm LDO | 19/02/2024 06:42

“Ngay sau nghỉ Tết, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhanh chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường, bảo đảm hoạt động công vụ diễn ra thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân; không để xảy ra tình trạng nghỉ Tết kéo dài, lơ là công việc, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”.

Đó là chỉ đạo của Ban Bí thư được nêu rất rõ trong thông cáo báo chí về cuộc họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024.

Việc cho nhân dân nghỉ Tết dài ngày những năm gần đây là một chính sách, hoạt động mang tính nhân văn cao, mục đích là để người dân được vui chơi, tạo không khí vui tươi phấn khởi để bước vào năm mới.

Thế nhưng vẫn có những nỗi lo của các nhà quản lý, các doanh nghiệp là tình trạng nghỉ Tết quá dài, tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, lơ là chểnh mảng công việc dẫn đến năng suất lao động giảm sút.

Trong sản xuất hiện đại, đây là thói quen và tâm lý cần phải chấn chỉnh để người dân, người lao động bắt tay ngay vào việc, sớm có hiệu quả. Hay nói một cách khác, năng suất lao động phải tăng ngay từ đầu năm.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá rất cao tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam và cho rằng: Từ năm 1990 đến năm 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng với tốc độ trung bình hằng năm 5,3%, nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực ngoại trừ Trung Quốc.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra vấn đề: Mức năng suất lao động tuyệt đối vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, nhất là các nước phát triển. Giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4USD, so với 14,8USD ở Thái Lan và 68,5USD ở Singapore.

Nghĩa là giá trị mà một lao động Việt Nam làm ra trong một giờ thấp hơn một nửa so với người lao động Thái Lan và chưa đến…1/10 một lao động Singapore.

WB cũng lưu ý, để duy trì kỳ tích kinh tế, Việt Nam cần tập trung tăng trưởng năng suất, đặc biệt là cải thiện mức năng suất lao động tuyệt đối. Chất lượng năng suất lao động cần phải song hành với tốc độ tăng trưởng năng suất.

Cuối năm 2023, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1305/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030. Trong đó khẳng định: Đến năm 2030, năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính.

Đó chính là những giải pháp cơ bản để đảm bảo tốc độ tăng trưởng năng suất là chất lượng năng suất của lao động Việt.
Chỉ có tăng năng suất mới đảm bảo được tăng trưởng kinh tế - xã hội một cách bền vững. Việc đang thua các nước trong khu vực về mức năng suất lao động tuyệt đối mà WB đã chỉ ra có thể coi là một cảnh báo, bởi nếu không cải thiện, Việt Nam sẽ lãng phí một động lực tăng trưởng rất quan trọng trong tương lai gần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn