MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hãy dẹp “giấy phép con” móc túi giáo viên

LÊ THANH PHONG LDO | 08/11/2019 08:29

Loạt bài: “Giấy phép con “hành” giáo viên” của Báo Lao Động đã chỉ thẳng vào một mảng tối của ngành Giáo dục, đó là người ta đã lợi dụng các quy định về điều kiện thăng hạng viên chức để móc túi giáo viên.

Trong khi Chính phủ kêu gọi bỏ “giấy phép con” thì trong ngành Giáo dục lại để tồn tại một loại giấy phép con như điều kiện hành nghề đối với giáo viên.

Quy định về chuẩn giáo viên là cần, nhưng phải thực chất, đằng này chỉ bỏ tiền ra mua bằng cho qua chuyện thì mọi thứ trở thành vô ích. Những đồng tiền mua bán này rơi vào túi của các nhóm lợi ích. Số tiền đó không ít, hơn 1 triệu giáo viên, mỗi giáo viên muốn được thăng hạng cần ít nhất gần 3 triệu đồng. Tổng số tiền lên đến gần 3.000 tỉ đồng.

Giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, 3 triệu đồng không nhỏ đối với họ. Chưa kể, những trường hợp cần chứng chỉ ngoại ngữ thì phải chi số tiền nhiều hơn. Cò mồi sẽ “bao đỗ, chống trượt”, vậy thì thực chất, giáo viên không học thêm được chữ nào, mà chỉ bỏ tiền ra để hợp thức hóa cái bằng thật học giả đó mà thôi.

Trong ngành giáo dục, chữ nghĩa của thầy cô mà còn dối trá, vậy thì còn có chỗ nào chừa cho sự trung thực được tồn tại ở xã hội này. Giáo viên không muốn gian đối cũng không xong, bởi vì sức ép của các quy định. Đối với những người lớn tuổi, hoặc bận bịu gia đình, ở các vùng không có điều kiện học tập, thì chỉ có cách duy nhất là xoay tiền mua bằng. Sự bất hợp lý của các quy định điều kiện thăng hạng chính là ở chỗ này.

Cái “chợ bán” chứng chỉ này phình to ra, không chỉ giáo viên mà cả 10 triệu công chức. Thực học ít, mua bằng để hợp thức hóa nhiều, và thế là cả một xã hội gian lận. Chẳng ai tin vào các chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C và chứng chỉ tin học của các trường cấp, biết là đồ giả hết, nhưng nó vẫn cứ tồn tại, vẫn được thừa nhận, đó mới là điều đáng sợ.

Các cơ sở giáo dục đào tạo, nơi cung cấp các loại chứng chỉ đã hoạt động như một dịch vụ cung cấp hàng giả, vậy thì có xứng đáng là trường đại học, là nơi đào tạo con người có kiến thức chuyên môn cho đất nước. Báo Lao Động đã điều tra và chỉ rõ tên của các cơ sở đào tạo cung cấp bằng gian lận. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ.

Đưa ra các quy định về tiêu chuẩn thăng hạng của giáo viên hay công chức thì phải kiểm soát được chất lượng chuyên môn, thông qua việc học hành, thi cử nghiêm túc. Nếu không thì chẳng khác gì tạo cơ hội cho các nhóm lợi ích làm giàu. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn