MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân sẽ phải trả phí khi đổ rác. Ảnh TG

Hãy đóng tiền, để không còn bị rác “tấn công”

Linh Anh LDO | 17/11/2020 19:24

Nếu ai ở trong tình trạng bị mùi hôi thối của hàng trăm tấn rác bủa vây, tấn công hàng tuần liền thì hẳn lúc ấy người ta chỉ mong được đóng tiền để không khí trở nên trong sạch.

Khả năng ấy đã đến khi chiều ngày 17.11, Quốc hội chính thức bấm nút thông qua Luật Bảo vệ môi trường với 96,68% tán thành. Con số không tuyệt đối chứng tỏ vẫn còn có những băn khoăn, nhưng về cơ bản sự đồng thuận đã chứng minh cần phải có những điều chỉnh sớm nhất để môi trường trở nên xanh, sạch, đẹp.

Điều 13 Hiến pháp 2013 nêu: "Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường". Luật Bảo vệ môi trường mới được thông qua đã cụ thể hoá một phần nghĩa vụ ấy bằng một điều khoản được cho là có tính “cách mạng” nhằm thay đổi thói quen và nhận thức của người dân.

Đó là khoản 5 điều 79: “Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh; phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Các loại chất thải rắn có khả năng tái chế được phân loại đúng quy định được miễn nộp kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý”.

Nói một cách dễ hiểu là người dân sẽ phải trả một khoản tiền tương ứng với lượng rác thải ra. Xả nhiều rác thì phải trả nhiều tiền. Khi bị đánh vào túi tiền, người dân tự khắc sẽ phải cân nhắc về việc thoải mái xả ra môi trường.

Và tất nhiên, không loại trừ khi có Thông tư hướng dẫn, hành vi không đóng tiền sẽ bị xử lý hành chính ở mức độ cao hơn nhiều mức phải đóng tiền.

Cũng như nhiều quy định khác khi ra đời, sẽ lại có những lo ngại. Rằng, nếu bắt dân đóng tiền thì nguy cơ bùng nổ “rác tặc”. Nghĩa là sẽ có người dân sẵn sàng “vứt rác sang nhà người khác” để trốn tránh nghĩa vụ; hoặc việc hàng ngày cân rác sẽ thực hiện thế nào? Lực lượng nào giám sát…

Luật ra đời nhằm điều chỉnh, tác động, làm cho hành vi, xử sự của một chủ thể thao tác, vận hành theo một chiều hướng nhất định. Những núi rác, những “cuộc khủng hoảng rác” có phần từ hành vi, suy nghĩ việc xử lý rác không phải là chuyện của mình. Điều chỉnh hành vi của mỗi người dân thì những e ngại, vướng mắc phát sinh sẽ được xử lý.

Xả rác phải đóng tiền không phải là câu chuyện thêm một loại phí trên vai người dân mà chính là cụ thể hoá trách nhiệm, nghĩa vụ của dân đối với chính môi trường mà mình đang sống.

Điều 79 thu phí rác thải theo cân phải thực hiện chậm nhất vào cuối năm 2024, nhưng từ bây giờ, cần sẵn sàng tinh thần: Hãy đóng tiền, để không còn bị rác “tấn công”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn