MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại học Tây Nguyên

Hãy mạnh dạn để họ ra về

THỦY LÂM LDO | 04/11/2015 12:30
Hơn 1.000 sinh viên (SV) của Đại học Tây Nguyên đang bị cảnh báo kết quả học tập kém và có nguy cơ bị đuổi học. Thực trạng ngày càng có nhiều sinh viên có thái độ và năng lực học tập yếu kém không chỉ xảy ra ở Đại học Tây Nguyên mà còn khá phổ biến trong cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Việc mạnh dạn sàng lọc sinh viên của Đại học Tây Nguyên là việc làm cần thiết trong tình hình giáo dục đại học hiện nay.

Khoảng chừng vài năm trước, một SV dù có thái độ và năng lực học tập, rèn luyện kém cũng rất hiếm khi bị đuổi học, cùng lắm cũng chỉ bị “giữ lại trường để đào tạo kỹ hơn”. Rất nhiều trường hợp phải học đến 6 - 7 năm nhưng rồi họ cũng ra trường được. Vì thế, bên cạnh những cử nhân, kỹ sư có chất lượng, xuất hiện không ít người có bằng đại học nhưng không đủ kiến thức và năng lực để làm việc ngay cả trong chuyên ngành của mình.

Thông tư 57/2012/TT- BGDĐT đã sửa đổi quy định về cảnh báo kết quả học tập và buộc thôi học theo Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. Đây là động thái cần thiết để chấn chỉnh lại kỷ luật trong giới SV, nâng cao chất lượng đầu ra của các trường ĐH. Để khi ra trường, mỗi SV đều có kiến thức và năng lực xứng đáng với tấm bằng mà mình được nhận.

Điều đáng nói là vì sao có quá nhiều SV bị đào thải như vậy? Phải nhìn nhận vào một thực tế là công tác tuyển sinh đầu vào của nhiều trường ĐH có phần dễ dãi. Số học sinh trúng tuyển vào ĐH chiếm tỷ lệ quá cao trong tổng số học sinh tốt nghiệp THPT. Chúng ta chưa làm được việc phân luồng đạo tạo hợp lý cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Nhiều sinh viên dẫu vượt qua được kỳ thi tuyển để vào ĐH (có khi nhờ may mắn), nhưng thực sự không đủ khả năng để tiếp thu, vận dụng được chương trình đào tạo ĐH.

Không ít SV khi còn học phổ thông vốn được chăm lo, kèm cặp quá chu đáo bởi gia đình và nhà trường, nên họ thiếu hẳn khả năng tự lập, kỹ năng sống cần thiết. Các trường ĐH không chú trọng nhiều về việc quản lý nề nếp, thái độ học tập của SV nên khi đến với môi trường mới, nhiều SV đã không tự làm chủ được đời sống sinh hoạt và học tập của bản thân, có khi còn mất kiểm soát. Có nhiều trường hợp nhiều SV trước đây là học sinh ngoan hiền, chăm chỉ nhưng khi trở thành SV lại sa vào rượu chè, game, cờ bạc...

Buộc thôi học một SV đã mất công sức và tiền bạc sau vài năm học tập tại trường là điều bất đắc dĩ. Chúng ta cũng cần chia sẻ những áp lực mà những SV này phải đối mặt khi phải xách gói ra về. Ngày đỗ đại học mang lại cho gia đình sự tự hào kỳ vọng bao nhiêu thì giờ họ mang về thất vọng bấy nhiêu. Đáng thương hơn có cả tình cảnh gia đình phải vay mượn, nợ nần để nuôi con ăn học. Đây là một tổn thất lớn cho họ cả vật chất và tinh thần. Nhưng dù sao thì việc ra về lúc này vẫn là điều tốt cho họ so với tiếp tục mất thêm bao nhiêu công sức, thời gian và tiền bạc mà không biết đi về đâu. Hy vọng rằng, những thất bại đầu đời này không làm họ gục ngã mà là bước ngoặt giúp họ làm lại để đi đến thành công.

Sàng lọc SV là việc làm đúng đắn và cần thiết để lấy lại niềm tin cho xã hội về chất lượng đào tạo bậc ĐH của nước ta. Tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu bớt đi được những số phận, những gia đình đáng ái ngại khi con em mình bị đuổi học. Thiết nghĩ, cần nâng cao yêu cầu chất lượng của học sinh được tuyển sinh đầu vào ở các trường ĐH, đồng thời các trường ĐH cần chú trọng hơn việc quản lý kỷ luật, giáo dục đạo đức và hỗ trợ kỹ năng sống cho sinh viên.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn