MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia đang triển khai tại Điện Biên gặp nhiều khó khăn do các quy định về tiêu chuẩn con giống. Ảnh: LDO

Hãy trao cho người nghèo quyền tự lựa chọn con giống như mình muốn

Hoàng Văn Minh LDO | 19/01/2024 20:00

Hóa ra, việc người nghèo, như ở Điện Biên, buộc phải nhận những con bò giống hỗ trợ có giá cao gấp 2-3 lần thị trường là do vướng quy định trong luật.

Liên quan đến người nghèo được cấp bò giống với giá gấp 2-3 lần thị trường trong chương trình mục tiêu quốc gia mà Lao Động vừa có loạt bài phản ánh, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, bà Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đã có những lý giải.

Theo bà Luyến thì chuyện chỉ đơn giản là việc mua sắm cây trồng, vật nuôi để phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương phải tuân thủ theo một văn bản của Cục Chăn nuôi.

Văn bản này đề nghị tiêu chuẩn của giống vật nuôi phải đáp ứng yêu cầu có thể nói là “trên trời” theo Luật Chăn nuôi và các văn bản có liên quan như phải có chứng nhận nguồn gốc bố mẹ, được chứng nhận là giống tiến bộ, được nuôi theo quy chuẩn chuồng trại, quy chuẩn thức ăn...

Và các quy định này không chỉ mỗi Điện Biên mà nhiều địa phương khác cũng không thể nào đáp ứng được. Mà không đáp ứng được thì phải hợp đồng với đơn vị từ địa bàn khác. Nên giá một con bò đội lên từ 2-3 lần so với thị trường là chuyện hiển nhiên bởi phải chịu chi phí vận chuyển, chi phí nuôi theo quy chuẩn...

Giải pháp, theo bà Luyến, là cần bổ sung vào dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia đề xuất rất hợp lý của người thụ hưởng: Hãy để người dân được mua con giống tại địa phương là giống bản địa, được lựa chọn theo tri thức bản địa, cảm quan, kinh nghiệm chăn nuôi về chiều cao, cân nặng, vòng bụng, vòng cổ, màu da, màu lông... và là những giống phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.

Các Chương trình mục tiêu Quốc gia với việc hỗ trợ người dân mua sắm cây trồng, vật nuôi… được ra đời nhằm giải quyết câu chuyện cho người dân những “cần câu” để có cơ hội thoát nghèo thay vì cho “con cá”.

Tuy nhiên, chương trình này, đặc biệt là giai đoạn 2021 -2025 ở các địa phương hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do bất cập trong quy định - như ở Điện Biên, dẫn đến toàn bộ nguồn vốn sự nghiệp năm 2021, 2022 không thực hiện được phải chuyển nguồn sang năm 2023. Thậm chí nhiều địa phương còn xin được trả lại nguồn vốn vì không triển khai được nhưng "trên" không cho trả.

Ngoài bất cập đội giá do quy định như vừa kể thì chương trình này còn gặp phải rất nhiều bất cập kiểu trời ơi đất hỡi khác đến từ nhận thức và chút tham vặt của cán bộ cơ sở. Ví như gà, vịt, trâu, bò… giống thỉnh thoảng bị “đi lạc” vào nhà quan hoặc người thân của nhà quan thay vì người nghèo.

Chính điều này đã và đang gây nên những ý kiến trái chiều, dư luận không tốt và “cơ quan quản lý thì băn khoăn” như lời bà Luyến. Là chưa nói đến việc người dân còn mất niềm tin vào chính quyền địa phương cũng như một chính sách hay, có tính nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Sự “đi lạc” hay bất cập đến từ nhận thức, tham vặt của cán bộ cơ sở thì có thể phải cần thời gian để “chỉnh sửa”. Nhưng những bất cập đến từ luật, từ quy định thì có thể sửa đổi, bổ sung ngay để các chương trình mục tiêu quốc gia xứng đáng đồng tiền bát gạo, thực sự có hiệu quả với người nghèo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn