MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Loại thuốc hiếm được dùng để giải độc botulinum. Nguồn ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 2

Hết thuốc giải ngộ độc botulinum và cái giá của sự thiếu chủ động

Hoàng Văn Minh LDO | 24/05/2023 15:35
3 bệnh nhân ngộ độc botulinum do ăn giò lụa và mắm, 2 đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy và 1 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang thở máy và gần như bị liệt hoàn toàn trước sự bất lực của đội ngũ y bác sĩ do không có thuốc giải độc.

Trong khi đó, cũng là ngộ độc botulinum do ăn giò lụa, nhưng 3 nạn nhân khác là 3 em bé từ 10-14 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, may mắn hơn là sức khoẻ cải thiện do kịp thời được dùng thuốc giải độc.

Đáng nói là việc hết thuốc giải độc botulinum không chỉ là hết ở hai Bệnh viện Chợ Rẫy và Nhân dân Gia định mà hết trên phạm vi cả nước.

Nên trước mắt, các bệnh viện không còn cách nào khác là ngoài hỗ trợ điều trị, nuôi dưỡng và cho bệnh nhân thở máy để chờ Bệnh viện và  Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) liên hệ với các nhà nhập khẩu, nhà cung cấp nước ngoài để mua thuốc giải độc.

Đồng thời đặt hy vọng vào Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi tổ chức này cho biết đang khẩn trương liên hệ tìm nguồn thuốc điều trị ngộ độc botulinum để hỗ trợ Việt Nam điều trị bệnh nhân bị ngộ độc.

Vẫn biết thuốc điều trị ngộ độc botulinum là thuốc hiếm, không dễ chủ động về nguồn cung, giá cao và hiện chưa nằm trong danh mục các loại thuốc được bảo hiểm chi trả ở Việt Nam.

Nhưng để hiếm đến mức cả nước không còn lọ nào để giải độc cho bệnh nhân là điều khó tin, khó chấp nhận.

Vẫn biết ngộ độc botulinum – theo Cục Dược là ngộ độc rất hiếm xảy ra, ở Việt Nam và trên thế giới. Nhưng Việt Nam, đây không phải lần đầu vì trong năm 2020 đã từng có hàng chục bệnh nhân ngộ độc botulinum do ăn pate chay.

Và trong năm 2020, WHO cũng đã từng điều phối 10 lọ thuốc giải độc từ Thụy Sĩ về Việt Nam cứu chữa nên việc để bệnh nhân liệt toàn thân vì hết thuốc lại càng khó chấp nhận.

Chúng ta chắc chắn không đến mức thiếu tiền để mua thuốc hiếm giải độc botulinum cùng nhiều loại độc khác. Cái chúng ta thiếu là sự chủ động về một giải pháp có tính căn cơ cho các loại thuốc hiếm.

Ngay sau khi xảy ra vụ hết thuốc giải độc botulinum, Bộ Y tế cho biết đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý và chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

Trong các giải pháp thực hiện, một giải pháp quan trọng là thành lập các trung tâm tồn trữ thuốc hiếm nguồn cung tại các vùng kinh tế - xã hội và đặc biệt là cơ chế để có thể thanh toán các thuốc hiếm về nguồn cung đã tồn trữ nhưng hết hạn do không phải dùng đến vì không có bệnh nhân.

Giá như Bộ Y tế chủ động hơn, nếu đề xuất này bắt đầu sớm hơn, ngay từ năm 2020 khi Việt Nam xảy ra những vụ ngộ độc botulinum đầu tiên, chắc chắn sẽ không có thảm cảnh 3 bệnh nhân bị liệt toàn thân vì hết thuốc và nằm chờ thuốc giải độc như bây giờ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn