MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng lên nhận cúp quán quân PCI 2019. Ảnh: Đỗ Phương

Hiện tượng Quảng Ninh, điển hình cần nhân rộng

Lê Thanh Phong LDO | 17/04/2021 08:15
Quảng Ninh lại vượt lên, tiếp tục chiếm vị trí quán quân trong bảng đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020. Thêm một năm, người dân Quảng Ninh được thụ hưởng các giá trị của một nền hành chính công hiện đại và lành mạnh, doanh nghiệp có thêm nhiều điều kiện và động lực để phát triển.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI 2020 - đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh, coi đây là “một hiện tượng” rất đáng chú ý trong thời gian vừa qua và cần coi là điển hình để nhân rộng.

Không ai nói Quảng Ninh may rủi, bởi vì liên tiếp bốn năm giữ vị trí đầu bảng, một thành tích quá thuyết phục, đáng để học tập. Học điều gì?

Đó là phải xây dựng nền tảng về con người và hệ thống. Từ năm 2013, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên thành lập và vận hành Trung tâm hành chính công tập trung trên cả nước. Cũng từ năm 2013, Quảng Ninh tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp sở để tìm cán bộ giỏi. Năm 2015, Quảng Ninh có đề án 25 thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế. Và, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên có mô hình Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư IPC trực thuộc UBND tỉnh hoạt động chuyên nghiệp và bài bản.

Đó là vượt qua được thành tích của chính mình, chinh phục được mình. Mỗi năm, Quảng Ninh vươn lên một đỉnh cao mới, thì chất lượng quản lý, sản phẩm hành chính cung cấp cho dân chúng luôn mang giá trị mới, hoàn hảo hơn.

Các địa phương khác cũng vậy, đột phá để dành thứ hạng cao càng tốt, nhưng nếu không thì cũng phải vượt lên được chính mình, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Cần phải nhận thức rằng, địa phương nào phát triển kinh tế kém hiệu quả, doanh nghiệp đến đầu tư gặp nhiều thất bại hơn thành công, đó là do chất lượng quản lý và điều hành của địa phương đó kém. Nhà đầu tư đến địa phương, bị thủ tục hành hạ, không minh bạch, không hỗ trợ, không bình đẳng, mất thời gian, mất cơ hội, mất tiền bạc, thì không ai muốn đến để làm ăn nữa.

Nhìn thấy doanh nghiệp làm ăn thất bại với những nguyên nhân thuộc về nghĩa vụ và trách nhiệm của chính quyền, nhà đầu tư vì ngao ngán địa phương mà bỏ đi, các vị lãnh đạo có xấu hổ không?

Nếu như các địa phương khác luôn vượt lên trong bảng đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hằng năm, còn địa phương mình luôn nằm trong nhóm đội sổ, thì các vị lãnh đạo có xứng đáng với người dân, doanh nghiệp không?

Cho dù không ai nói ra, nhưng dân chúng không phục, không tin và không hy vọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn