MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ 2 hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn Thôi bị đâm tử vong vào ngày 13.5.2018. Ảnh: Trường Sơn

Hiệp sĩ bắt cướp không chính danh và quá nhiều rủi ro

Lê Thanh Phong LDO | 17/11/2020 10:07
Tại buổi thảo luận tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu ý kiến: “Trước hết phải thấy không ổn, mình là lãnh đạo, là quản lý một địa phương mà để cho ông già, cho những anh bỏ vợ con để đi làm hiệp sĩ đường phố chống tội phạm theo sự tự phát như thế”.

Đây là một quan điểm rất xác đáng, cần phải được lắng nghe để điều chỉnh lại các hoạt động trấn áp tội phạm theo kiểu “tinh thần hiệp sĩ” như từ trước đến nay.

Những hiệp sĩ đường phố từng được vinh danh như Nguyễn Văn Minh Tiến hay các nhóm hiệp sĩ bắt cướp ở TPHCM, Bình Dương đã gây cảm hứng cho nhiều người. Các anh đều rất tốt, có tinh thần hiệp sĩ, có đóng góp tích cực trong việc ổn định trật tự, làm cho nhiều băng cướp phải chồn chân.

Nhưng bên cạnh những điều rất tốt đẹp đó, còn có nhiều vụ hiệp sĩ bị tấn công, bị đâm chết. Hai “hiệp sĩ” Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Văn Thôi bị băng trộm xe gắn máy SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3) đâm chết vào ngày 13.5.2018.

Hiệp sĩ có lòng can đảm, “giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”, nhưng các anh không được trang bị chuyên môn nghiệp vụ, không được huấn luyện bắt cướp, không có vũ khí và các công cụ như công an. Vậy thì khi đối mặt với những tên cướp nguy hiểm, khó tránh được tổn thất.

Chưa kể, hiệp sĩ không phải là “người nhà nước”, không chính danh và không có thẩm quyền theo dõi, bắt giữ người. Như vậy, trong một số trường hợp “hành hiệp”, rất dễ dẫn đến lạm quyền, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật như “bắt giữ người trái pháp luật”. Điển hình như vụ hiệp sĩ Nguyễn Lâm Đan Trường theo dõi và bắt nhầm Cao Công Tới vì nghi ngờ trộm cắp. Sau đó, Nguyễn Lâm Đan Trường bị một người bạn của Cao Công Tới lái ôtô đâm từ đằng sau khiến anh Trường tử vong. Vụ việc xảy ra ở Tây Ninh tháng 12.2018.

Một xã hội có chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật thì trách nhiệm trấn áp tội phạm, đem lại sự bình an cho người dân thuộc về chính quyền. Dân, cho dù là hiệp sĩ, cũng không thể thay thế cho công an để truy bắt cướp.

Chính quyền có thể vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Người dân không nên đi bắt cướp tự phát, mà báo với chính quyền về thông tin tội phạm, như vậy là quá đủ. Hiện nay, với các công cụ công nghệ, thông tin có thể chuyển tải rất nhanh, đưa hình ảnh, clip, phục vụ cho việc điều tra, truy bắt tội phạm. Để cho dân làm hiệp sĩ trấn áp tội phạm vừa không chính danh, vừa quá nhiều rủi ro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn