MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các phụ huynh "vật vờ" nhiều ngày ở cổng Trường tiểu học xã Văn Luông để yêu cầu làm rõ việc thu chi (từ ngày 24.7 đến ngày 28.7). Ảnh: Tô Công

Hiệu trưởng không phải là “ông quan” trong trường học

Hoàng Văn Minh LDO | 21/08/2023 13:11

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Phú Thọ đã từ chức sau loạt bài của Báo Lao Động liên quan đến việc thu chi, dẫn đến phụ huynh quây kín cổng trường để phản ứng.

Báo Lao Động thông tin, liên quan đến vụ việc hàng chục phụ huynh Trường Tiểu học Văn Luông (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) kéo đến quây kín cổng trường vì bất bình thu chi, UBND huyện Tân Sơn đã có thông báo kết quả sau nhiều ngày thanh, kiểm tra. Cùng với đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Văn Luông đã xin từ chức.

Theo đó, qua kiểm tra, xác minh cho thấy, việc quản lý, sử dụng các khoản vận động tài trợ để mua sắm một số bàn ghế cho học sinh còn chậm, chưa đúng kế hoạch.

Cùng với đó, một số khoản chi hỗ trợ các hoạt động giáo dục như: hội thi, giao lưu, mua sách và tài liệu bổ sung cho thư viện chưa cung cấp được đầy đủ chứng từ kế toán... Trường Tiểu học Văn Luông được yêu cầu nộp lại ngay số tiền 91.690.000 đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Trường tiểu học Văn Luông chi chưa đúng số tiền hơn 91 triệu đồng là không có gì to tát; và việc hiệu trưởng xin từ chức vì chuyện như thế này cũng không đáng.

Xin thưa, về nguyên tắc thì nhà trường thu của phụ huynh một đồng thì phải chi ra đúng một đồng và phải có đầy đủ hoá đơn chứng từ. Thêm nữa, vấn đề không phải nằm ở chỗ con số 91 triệu đồng, 9,1 tỉ đồng hay 91 tỉ đồng.

Vấn đề nằm ở chỗ ngoài nguyên tắc thu chi thì môi trường giáo dục còn đề cao sự nêu gương. Nếu thầy hiệu trưởng, ban giám hiệu, các thầy cô không biết nêu gương thì làm sao lên lớp mở miệng rao giảng với học sinh về đúng sai, về đạo đức, về nhân cách làm người…?

Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc gặp gỡ với các thầy cô giáo trên cả nước mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nói đại ý rằng hiệu trưởng không phải là "ông quan" trong trường học mà là một người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp…

Lấy ví dụ về sự đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói hiệu trưởng phải là người chỉ huy, người chủ đạo trong việc đổi mới trong một cơ sở giáo dục.

Nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ở ngôi trường đó đổi mới được. Nếu các hiệu trưởng không thay đổi thì sự thay đổi của các giáo viên sẽ rất khó khăn và có thể dẫn tới sụp đổ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng viện dẫn một thực tế là “rất nhiều hiệu trưởng qua thăm dò, tiếp xúc rất nhiệt huyết, làm tốt nhưng cũng có một phần không tham gia tập huấn, không nghiên cứu chương trình, phó thác việc đó cho hiệu phó, tổ trưởng bộ môn, giáo viên cốt cán…, việc đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới”.

Giáo dục đổi mới thì quản lý giáo dục cũng phải thay đổi – bắt đầu từ với những hiệu trưởng, từ tư duy quản lý cho đến hành động, sự nêu gương... Nếu không, những khẩu hiệu tốt đẹp của giáo dục vẫn sẽ mãi dừng lại ở bên ngoài cổng trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn