MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần đơn giản các thủ tục hành chính để người dân nhận tiền hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 86. Ảnh MH

Hỗ trợ tiền: Đừng để người dân "bỏ cuộc" vì thủ tục rườm rà, cứng nhắc

Linh Anh LDO | 13/08/2021 11:02

Chính phủ đã ra các Nghị định, Nghị quyết để hỗ trợ người dân, mới nhất là Nghị quyết 86 ngày 6.8 về những giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19. Thế nhưng có một thực tế là ở nhiều nơi "trên lỏng, dưới chặt" khiến không ít người dân phải "bỏ cuộc" vì thủ tục rườm rà, cứng nhắc.

Nghị quyết 86/NQ-CP ghi rõ về việc thực hiện gói hỗ trợ là "Thường xuyên rà soát cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp" và "giảm tối đa các thủ tục hành chính để thực hiện nhiệm vụ này".

Ngay tại Hà Nội, chính sách hỗ trợ người lao động tự do đã được triển khai nhưng khi làm thủ tục, không ít người "hoa mắt chóng mặt" khi phải đáp ứng các thủ tục, điều kiện để nhận khoản tiền 1,5 triệu đồng.

Ngoài đơn đề nghị, người dân phải photo hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú. Nếu là tạm trú phải khai tiếp một bản nữa để mang về nơi đăng ký thường trú để xác nhận không hưởng hỗ trợ.

Đây là quy định khó bởi nhiều người tạm trú Hà Nội không thể về quê xin xác nhận "do giãn cách" nên buộc phải "bỏ cuộc".

Hoặc là lao động tự do, có đủ giấy tờ nhưng vẫn không nhận được hỗ trợ "không phải là đối tượng".

"Năm nay tôi đi đăng ký trợ cấp, trưởng thôn bảo làm nghề điều hòa điện lạnh tự do không có trong danh sách được hưởng trợ cấp. Thà miễn phí 1-2 triệu tiền điện cho mỗi nhà còn hơn"- anh Hoàng Minh Trung ở Thanh Oai, Hà Nội, chia sẻ.

Việc kiểm soát chặt chẽ chính là để không sót lọt đối tượng và cũng tránh trường hợp một người nhận trợ cấp nhiều lần, trục lợi chính sách. Nhưng sự cứng nhắc trong việc xác định đối tượng đã khiến nhiều nhóm bị bỏ rơi.

Chẳng hạn, theo hướng dẫn tại nhiều phường ở Hà Nội quy định chỉ có 6 nhóm lao động tự do được nhận hỗ trợ. Vì thế, những đối tượng làm nghề điều hòa điện lạnh tự do như anh Trung ở trên đã không được hỗ trợ dù khó khăn không kém những đối tượng khác.

Tinh thần Nghị quyết 86 rất rõ: Phải bám sát thực tế để mở rộng và điều chỉnh phù hợp. Việc cứng nhắc trong xác định đối tượng khiến một lượng không nhỏ người lao động tự do không thể tiếp cận hỗ trợ.

Báo cáo mới nhất của Bộ LĐTB-XH: Việc hỗ trợ tiền mặt đã triển khai được 1 triệu lao động với hơn 1.300 tỉ đồng. Con số này còn thấp khi Nghị định 68 đã triển khai được gần 45 ngày.

Đăng ký hỗ trợ qua phần mềm, dùng hệ thống dữ liệu dân cư để xác nhận là giải pháp nhằm giảm thủ tục hành chính, thời gian đi lại của người dân nhằm tăng tốc triển khai các gói hỗ trợ.

Và quan trọng là tăng cường hậu kiểm để tránh trục lợi chính sách và có chế tài thật nặng đối với cá nhân, địa phương kê khai sai đối tượng, có dấu hiệu trục lợi chính sách.

Tinh thần của Chính phủ tại Nghị quyết 86 cũng như suốt quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ là nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; người dân, doanh nghiệp hưởng ứng thật và được thụ hưởng thật các thành quả.

Đừng để trên thông, dưới tắc. Người dân "bỏ cuộc", "đứng ngoài" gói hỗ trợ vì thủ tục rườm rà và quy định cứng nhắc chính là lỗi của chính quyền địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn