MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học Bác xử lí cán bộ vi phạm: vừa kiên quyết, vừa nhân văn

Hoàng Lâm LDO | 19/05/2023 07:56

Một trong những tư tưởng nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đó là phải hết sức giữ gìn kỉ luật, vừa bồi dưỡng những cán bộ tốt, đồng thời phải xử lí nghiêm những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, suy thoái.

Công tác cán bộ là chủ đề nóng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đặc biệt là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khẳng định sự tiếp thu, phát triển tư tưởng của Người vì sự lớn mạnh của Đảng, của quốc gia, dân tộc.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kì khoá XIII vừa diễn ra thành công tốt đẹp đã dành một phần để nói về vấn đề này: Nửa nhiệm kì, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lí; các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỉ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc “có vào, có ra; có lên, có xuống”; thể hiện tinh thần kiên quyết, gương mẫu, nghiêm minh, nhân văn, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên; đồng thời đã khẩn trương chỉ đạo kiện toàn các nhân sự lãnh đạo thay thế, được dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá rất cao.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Trong xử lí cán bộ vi phạm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm rất nghiêm minh nhưng vẫn nhân văn, nhân đạo. Điển hình là khi xử lí nguyên đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu hay Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng khi biến chất, tham nhũng, Người nêu quan điểm: “… nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo” hay “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”.

Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ”. Xây và chống là hai nhiệm vụ quan trọng trong phát triển tổ chức Đảng.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác cán bộ và xử lí cán bộ hiện nay tiếp tục được đẩy mạnh: Vừa kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa tạo ra những cơ hội để cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Tính kiên quyết thể hiện ở số vụ việc bị xử lí, nhất là các vụ việc có cán bộ cấp cao. Tính nhân văn còn ở việc mở đường để cán bộ vi phạm kỉ luật chủ động xin từ chức.

Ngay trong tháng 5 này, khi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng,  việc phát hiện xử lí cán bộ tham nhũng, tiêu cực là phần ngọn, phần gốc là phải chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, bởi nếu cán bộ có đạo đức, tư tưởng tốt sẽ không tham ô, tham nhũng. Thay vào đó, họ sẽ biết đó là cái xấu và phải tránh ra.

Đảng nhiều lần khẳng định phòng chống tham nhũng không phải nội bộ đánh nhau, phe nọ đánh phe kia, mà cuộc chiến đó là vì đất nước, vì nhân dân. Thực tế việc này nhận được sự đồng thuận của người dân, đang dần đi vào nề nếp ở các cấp, các ngành.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh không phải là một khẩu hiệu, không phải là một phong trào mà là một quá trình. Quá trình ấy hướng đến mục tiêu cao nhất: Vì đất nước, vì dân tộc, vì nhân dân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn