MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học hàm tăng đột biến và trường đại học bị loại khỏi Top 350

LÊ THANH PHONG LDO | 08/02/2018 06:36
Bảng xếp hạng đại học thường niên của Times Higher Education (THE) năm 2018, có hơn 350 trường từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam không có đại diện nào trong bảng xếp hạng.

Còn Singapore, quốc đảo nhỏ trong khu vực lại có trường đại học đứng đầu châu lục. Một số nước nghèo nhưng vẫn tăng số đại diện trong bảng xếp hạng dù thứ hạng không cao như Ấn Độ, Pakistan.

Cách đây hơn 10 năm, chúng ta từng đặt vấn đề về một trường đại học Việt Nam lọt vào “Top 200” thế giới, nay chỉ Châu Á, cũng không lọt nổi vào “Top 350”. Thông tin đáng buồn này có vẻ như ngược lại với thông tin phấn khởi GS, PGS tăng đột biến năm 2017.

Và xin thưa, PGS, GS là thầy, và chất lượng thầy như thế nào thì chất lượng của trường đại học sẽ như vậy, cực kỳ logic. Một trong những tiêu chí xếp hạng của THE, đó là số lượng bài báo công bố quốc tế, chính vì vậy nên Đại học Tsinghua vượt qua được Đại học Bắc Kinh năm nay nhờ số lượng bài báo xuất bản cao hơn Đại học Bắc Kinh.

Không chỉ có số lượng bài báo công bố, mà còn tính đến số lượng trích dẫn, chính vì vậy, Trường Đại học quốc gia Singapore đã dẫn đầu bảng vì chỉ số về môi trường nghiên cứu và giảng dạy tăng lên, có số lượng trích dẫn nhiều hơn và đảm bảo mức thu nhập ngành cao hơn.

Riêng tiêu chí này, so sánh với Việt Nam, trong đợt phong GS và PGS năm 2017, có 34% GS và 53% PGS không có bài báo khoa học. Chưa tính đến số lượng bài báo được trích dẫn, chỉ cần có một bài được công bố trên tạp chí ISI/Scopus cũng “bó tay”, như vậy cũng đủ chứng minh chất lượng của đội ngũ nhà nghiên cứu, nhà khoa học cấp GS và PGS của Việt Nam.

Chất lượng GS, PGS như vậy lấy đâu ra trường đại học lọt vào Top 350 của Châu Á. Cho nên, đông để làm gì, nhiều GS, PGS chỉ tốn tiền Nhà nước trả phụ cấp, thói chuộng hư danh và cơ hội khoa học còn tồn tại thì thực chất khoa học cứ thế mà tụt hậu. Càng nghĩ về nền học thuật và nghiên cứu khoa học nước nhà càng cay đắng.

Dự thảo quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm GS, PGS mới bắt buộc ứng viên phải có 1 công bố quốc tế hoặc 1 bằng sáng chế độc quyền, phải giao tiếp được bằng tiếng Anh trong chuyên môn, đọc hiểu và viết được các bài báo tiếng Anh về các vấn đề liên quan đến chuyên ngành. Nếu quy định mới này được áp dụng, sẽ là một bước tiến mới trong phong học hàm.

Nhưng cần quy định thật quyết liệt, sau 5 năm không có công trình, công bố quốc tế mới thì tước học hàm. Chỉ có cách đó mới trị được bệnh hư danh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn