MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ 2 “hiệp sĩ” của quận Tân Bình bị đâm chết, 3 “hiệp sĩ” khác bị thương khi bị săn bắt và bị nhóm trộm tấn công. Ảnh: Sao Zone

Học sinh không phải là đối tượng tuyên truyền truy bắt tội phạm

Lê Thanh Phong LDO | 19/05/2018 10:39
Sở Giáo dục - Đào tạo (GD ĐT) TPHCM ra văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, thông qua tiết sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động của nhà trường tổ chức tuyên truyền giáo dục học sinh, sinh viên tinh thần dũng cảm của 5 hiệp sĩ trong việc truy bắt tội phạm.

Ngoài ra, các đơn vị vận động các tổ chức, đoàn thể nhà trường tự nguyện quyên góp giúp đỡ nhằm động viên, chia sẻ kịp thời đối với các hiệp sĩ và gia đình trước những khó khăn trước mắt.

Có nhiều ý kiến phản biện nội dung tuyên truyền của Sở GD ĐT TPHCM. Dạy về lòng dũng cảm là cần thiết, nhưng liệu có cần thiết đưa trường hợp 5 hiệp sĩ này không?

Giúp đỡ gia đình các hiệp sĩ là đúng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng, nhưng xem 5 hiệp sĩ như một biểu tượng của lòng dũng cảm để học sinh noi theo thì không đủ sức thuyết phục, và thậm chí, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực khác.

Chúng ta đã quá lạm dụng từ “hiệp sĩ”. Người lớn có thể nhận thức về điều này, nhưng ở lứa tuổi học sinh thì chưa chắc. Sự ca ngợi quá đà dễ dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên bắt chước đi làm hiệp sĩ săn bắt cướp, hoặc lao vào bắt cướp trong trường hợp có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Tuổi trẻ nhiều nông nổi, cho nên không ít những thanh thiếu niên làm những điều ngông cuồng vì ảnh hưởng thần tượng, phim ảnh. Tuyên truyền nhiều về anh hùng nghĩa hiệp chưa hẳn đã tích cực, mà cần phân tích đúng sai về vai trò, vị trí, tính pháp lý, các giới hạn của hành động, bảo vệ sự an toàn tính mạng cho bản thân và không gây nguy hiểm cho người khác. Như trường hợp con của một hiệp sĩ nói với báo chí rằng lớn lên sẽ đi bắt cướp giống ba. Nhưng người lớn phải tỉnh táo nói với cháu rằng, muốn bắt cướp thì phải trở thành một cảnh sát, không phải là một hiệp sĩ như ba cháu.

Ở TPHCM, có những băng cướp chuyên nghiệp, sử dụng vũ khí gây sát thương cao, thậm chí là súng. Ngay cả cảnh sát hình sự, muốn bắt cướp cũng phải có sự trang bị và tính toán, phối hợp các lực lượng tác chiến.

Nếu thường dân, học sinh, chỉ vì lòng dũng cảm, muốn trở thành hiệp sĩ mà lao vào bắt cướp thì quá nguy hiểm. Một tay dao Tài "Mụn" hạ 5 hiệp sĩ trong 13 giây thì học sinh mặt búng ra sữa làm được gì.

Hãy dạy cho các em những bài học về lòng dũng cảm, về sự can đảm để các em không trở thành những kẻ hèn nhát, vô cảm trước cái xấu cái ác, nhưng hết sức thận trọng khi đưa ra những chân dung điển hình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn