MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học trò, thầy cô giáo ở điểm trường Ông Bình, dưới đỉnh Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam rất xúc động trước buổi lễ khai giảng tươm tất, trang trọng. Ảnh: Thùy Trang

Học sống tử tế, làm việc hiệu quả trước khi thành công dân toàn cầu

Thanh Hải LDO | 05/09/2023 19:04

Hôm nay 5.9, hơn 22 triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới với niềm hân hoan, rộn ràng. Đó là niềm vui tự nhiên của tuổi học trò, là hạnh phúc đương nhiên mà các em được thụ hưởng. Dù vẫn còn đó nhiều ngổn ngang, bất cập của ngành giáo dục, những toan lo cơm áo, học phí của các bậc phụ huynh... Nhưng đó là trách nhiệm của người lớn, của toàn xã hội...

Điểm trường Ông Bình, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - nơi có trên 93% dân tộc thiểu số là người Ca Dong, Xơ Đăng, M'Nông - đã tổ chức khai giảng sớm 1 ngày so toàn quốc. Nhưng sáng 5.9, những dòng thông tin đầu tiên, những trang báo đẹp về sự kiện... mới được xuất bản.

Sở dĩ khai giảng sớm và tin chậm như vậy là vì học sinh phải bám lưng cha mẹ, vượt cả chục cây số đường rừng để tựu trường. Nhà báo phải hơn 4 giờ trèo đèo lội suối, xuôi xe máy, "thoát" ra khỏi vùng núi cao... nơi không điện, không nước, chưa có internet, sóng điện thoại... mới viết được bài, truyền tin.

Nhưng ngược lại, đó là những hình ảnh xúc động, đầy tình người. Bởi, có những "người dưng" từ Đà Nẵng, TP.HCM đã ngược núi, "mang tặng" cả 1 ngôi trường mới (3 phòng học), những bộ quần áo, giày dép mới và cả chiếc trống đầu tiên cho xứ sở xa xôi này. Các em được cắt tóc miễn phí, ăn những bữa ngon ngày tựu trường, được cầm cờ Tổ quốc, tập hát Quốc ca và được nghe thư Chủ tịch nước dịp khai giảng.

Có hàng trăm, hàng ngàn điểm trường ở khắp các vùng biên cương, miền núi, hải đảo xa xôi của cả nước còn rất khó khăn như vậy. Nhưng niềm vui ngày tựu trường không vì thế mà giảm đi. Ngược lại, hạnh phúc được nhân đôi, vì ngày càng nhiều sự quan tâm, chia sẻ thiết thực của các mạnh thường quân, từ cộng đồng, người dân.

Các em đến trường không chỉ học, tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng, mà còn trau dồi phẩm chất, xác lập những giá trị tốt đẹp để phát triển bản thân. Như lời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong thư, gửi ngành GD-ĐT nhân dịp khai giảng, là "phải học để sống tử tế, làm việc hiệu quả...".

Để trở thành những người có trí tuệ, là công dân toàn cầu, để thực hiện khát vọng phát triển đất nước, mang lại sự phồn vinh cho dân tộc, trước mắt phải học làm người tử tế, có phẩm giá, biết yêu gia đình, yêu Tổ quốc và đồng bào mình.

Chính những hành động có trách nhiệm của các mạnh thường quân, sự chia sẻ yêu thương của cộng đồng, giúp đỡ thiết thực từng trang vở, tấm áo, góp những niềm vui nhỏ... đang là phong trào thiện nguyện tự phát ở khắp các vùng quê hiện nay, đã góp phần quan trọng, bồi đắp tâm hồn, lan tỏa lòng yêu thương cho các em.

Như thường lệ, đầu năm học mới bao giờ cũng "ì xèo" câu chuyện cải cách giáo dục, thay sách giáo khoa, tăng học phí, lạm thu, dạy thêm... đòi hỏi chính quyền, và trực tiếp là ngành giáo dục phải điều chỉnh, đổi mới, thích ứng thực tiễn của sự phát triển. Nhưng sự chủ động, sáng tạo của từng thầy cô, thái độ trách nhiệm của nhà quản lý, sự chia sẻ của phụ huynh và tình yêu thương của cộng đồng... mới chính là sự "đổi mới" lớn nhất, vì thế hệ tương lai của đất nước.

Trước ngày khai giảng, các địa phương ở miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Ngãi và nhiều tỉnh thành khác đã ban hành hẳn văn bản, chỉ đạo ngành GD-ĐT phải tổ chức khai giảng ý nghĩa, thực chất, tránh hình thức. Đặc biệt, phần lễ phải ngắn gọn, không có phát biểu của lãnh đạo các cấp, không thả bóng bay, Hiệu trưởng đánh trống khai giảng...

Những quy định, chi tiết tuy nhỏ, nhưng là sự đổi mới lớn. Là sự lắng nghe từ phản biện xã hội. Là hành động chung tay, đồng hành của chính quyền với sự nghiệp giáo dục.

Năm học mới đang mở ra nhiều hy vọng bởi có nhiều sự đổi mới tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng thực chất, có giá trị về tinh thần, tạo được niềm tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn