MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hồi sức cấp cứu cho doanh nghiệp

Hoàng Lâm LDO | 04/04/2023 07:37
Bức tranh doanh nghiệp quý I/2023 có phần ảm đạm thông qua con số được Tổng cục Thống kê mới công bố.

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I/2023 đạt 56.946 doanh nghiệp, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Thế nhưng ở chiều ngược lại có tới 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này đồng nghĩa là cứ mỗi tháng, có 20.000 doanh nghiệp đóng cửa.

Đáng chú ý là quý I/2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng thì số doanh nghiệp rút lui thời điểm đó là 35.000 doanh nghiệp - một con số kỷ lục. Giờ đây, kỷ lục đó bị phá sâu và trở thành thời điểm có số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động trong một quý lớn nhất từ trước tới nay.

Tin tốt là: Phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn,chiếm 71,1%. Nghĩa là doanh nghiệp chưa “chết hẳn” mà vẫn còn cơ hội để hồi sinh. Để doanh nghiệp hoạt động, phải có 3 điều kiện cơ bản: Thể chế, vốn và nguồn lao động. 

Mới đây, ngày 2.4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã gặp mặt Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và Đoàn doanh nhân tiêu biểu của Hội. Thông điệp được nhắc đi nhắc lại: “Phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Đây là nơi mà các doanh nghiệp khẩn thiết bày tỏ có những thay đổi về chính sách hỗ trợ mà còn cần “kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc”, đặc biệt, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế - dân sự. Đó là yêu cầu cơ bản trong thể chế.

Về vốn, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp điều chỉnh hạ lãi suất điều hành, một động thái được cho là bơm tiền ra thị trường trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao. Nguy cơ đẩy lạm phát ngắn hạn lên cao hơn là hiện hữu nhưng với doanh nghiệp - tiền là máu. Thế nhưng liệu doanh nghiệp có cơ hội để tận dụng được điều này hay không, lại là câu chuyện khác.

Bởi vì tiền vay ngân hàng chỉ là một kênh huy động vốn. Trong khi thị trường chứng khoán vẫn tiềm ẩn đầy rủi ro, chưa có dấu hiệu phục hồi vững chắc và đặc biệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa tạo độ mở khi hiệu quả Nghị định 08 liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp chưa kịp phát huy hiệu quả.

Dòng tiền đến với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hồi sinh trở lại thì cần huy động tối đa được cả 3 kênh trên.

Điều này không hề dễ dàng bởi thời điểm này khác với thời điểm dịch COVID-19 hoành hành. Sức khoẻ doanh nghiệp là thước đo sức khoẻ nền kinh tế.

Không thể đứng nhìn mỗi ngày 700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Xa hơn là cần có giải pháp mang tính chiến lược để doanh nghiệp tư nhân đủ sức chống chịu được những tác động từ bất ngờ từ kinh tế, xã hội.

Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đã thất bại. Kinh tế Việt Nam đặt tiếp mục tiêu 1,3-1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 có thể sẽ không đạt được nếu doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập phải tự bơi trong môi trường còn nhiều rào cản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn