MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngập lụt khắp nơi chỉ sau một cơn mưa ngắn, thuyền tự chế đã xuất hiện ở Thủ đô. Ảnh Nguyễn Phương/LĐO

Hôm qua, đường phố Hà Nội "thất thủ" rồi!

Anh Đào LDO | 19/08/2020 17:22
100 triệu USD, có nghĩa là hàng chục ngàn tỉ đã được Hà Nội “đổ xuống cống” trong các dự án chống ngập. Nhưng rồi, chỉ ngay trong trận mưa ngắn đầu tiên chiều qua, hầu hết các tuyến đường thành phố đã tê liệt, đã "thất thủ" ngập trong nước.

Bức ảnh Tràng Tiền Plaza ngập trong nước hôm qua đã được chia sẻ khắp mạng xã hội, như một sự cay đắng với vô số sự mỉa mai, kiểu như là “đang thực hiện dự án Hồ Gươm mở rộng” vậy.

Hệ thống thoát nước quá tải khắp các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng

Ngập lụt diễn ra từ nội ra ngoại thành, sang cả Đông Anh.

Và giao thông thì khỏi phải nói: Tê liệt.

Không giống Paris nữa, Hà Nội đã thành Venice sau… mỗi cơn mưa.

Nhưng sự thất thủ hôm qua nhắc cho chúng ta biết, thật ra, Hà Nội đã có những dự án thoát nước chống ngập rất đắt đỏ, rất dày tiền.

Đó là Dự án thoát nước Hà Nội với chi phí 550 triệu USD được phê duyệt từ năm 2.000.

Nhưng rồi cái dự án ấy đội vốn thêm gần 100 triệu USD, nhưng rồi cái dự án ấy kéo dài thêm 12 năm so với tiến độ. Nhưng rồi năm 2017, ngay sau khi hoàn thành, một trận mưa- vẫn chỉ là một trận mưa- đã cho biết hiệu quả thoát nước ngoài đường khác hoàn toàn với hiệu quả trên giấy.

Sau khi ném hàng chục ngàn tỉ ấy, đến giờ, chỉ tính riêng khu vực nội thành Hà Nội vẫn có tới 12 điểm ngập, trong đó có 6 điểm ngập vĩnh cửu: Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành - Bát Đàn; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long.

Ngập vĩnh cửu có nghĩa là thế nào?

Là cứ có mưa là ngập. Và là ngập không thể khắc phục. Là bó tay.

Thật ra sự thất thủ của Hà Nội mỗi khi... có mưa, thật ra sự thất bại của dự án thoát nước hàng chục ngàn tỉ có nguyên nhân chủ quan của nó.

Năm 2017, sau khi những trận mưa “vô hiệu hoá”, Dự án thoát nước ngàn tỉ vừa khánh thành, trên báo chí, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chỉ ra nguyên nhân là: Có sự ngược chiều giữa quy hoạch và dự án: "Nếu tay phải Hà Nội lập dự án thoát nước thì tay trái lại phá nó bằng cách quản lý quy hoạch lung tung”.

Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, kiểu “phá nát Hà Nội”- lời Chủ tịch Nguyễn Đức Chung lúc đương chức, quy hoạch thậm chí trên chính đường chảy, quy hoạch kiểu tay phải tát tay trái thế, hàng chục ngàn tỉ coi như hiệu quả bằng 0 khi nó chỉ biến Hà Nội thành... Venice mà thôi.

Và hôm nay, những trận mưa chỉ giống chuyện “cháy nhà” để nhìn thấy những yếu kém không hoàn toàn chỉ vì... kém cỏi ấy.

Có một chi tiết không thể không nói. Đó là tình trạng thất thủ, tê liệt khắp nơi vẫn xảy ra cho dù mưa đã được dự báo từ cuối tuần, từ không 5 thì cũng 3 ngày trước. Và chúng ta trơ mắt nhìn, không biết, không thể làm gì để tránh cả. Sự thất thủ, bên cạnh sự thất bại vì thế, có trong nó sự bất lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn