MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một Facebooker được Công an mời đến trụ sở làm việc. Ảnh: CACC

Hơn 100 Facebooker bị xử lý và bài học "tay nhanh hơn não"

Lê Thanh Phong LDO | 19/06/2023 17:41

Công an tỉnh Đắk Lắk đã xử lý hơn 100 Facebooker đăng sai sự thật về vụ tấn công trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (Cư Kuin, Đắk Lắk) sáng 11.6.

Điển hình là vụ ông C đăng clip với tiêu đề: "Cận cảnh Bộ Công an đã điều chiến đấu cơ Su30 đến Đắk Lắk để tiêu diệt bọn khủng bố", nhưng những hình ảnh, video đó là buổi diễn tập tháng 4.2023.

Vì mục đích câu view, câu like, nhiều người tạo ra các bản tin giả để đăng tải trên trang cá nhân của mình. Họ biết đó là những thông tin không đúng sự thật, họ cố tình bịa đặt thêm thắt để thu hút người theo dõi.

Có những người không cố tình bịa đặt, nhưng nghe ngóng, hóng hớt, không cần biết thông tin đó chính xác hay không, đã vội vàng đưa tin, như mình là người chứng kiến tận mắt sự việc.

Có những người không viết tin mà chia sẻ thông tin không cần kiểm chứng, không cần nguồn tin. Dân gian gọi những người này là "tay nhanh hơn não", thấy tin giật gân là "like", "share", viết những bình luận không tích cực, mắng chửi, quy chụp, kết tội người khác vô căn cứ.

Một tâm lý đám đông rất đáng sợ, đó là rất thích đưa hoặc chia sẻ những thông tin tiêu cực. Vụ việc chỉ đáng một thì xé ra mười, làm bất an cuộc sống, đen tối xã hội. Một người đưa tin, trăm người chia sẻ, ngàn người tương tác, tin xấu cứ thế mà lây lan, đầu độc thêm những cái đầu vốn đã không tỉnh táo.

Một thực tế khác là trên mạng xã hội, thường bắt gặp đa số thông tin hướng về điều ác hơn là điều thiện. Người ta thích thú khi ai đó gặp nạn, hả hê khi có một "nhân vật" có tên tuổi gặp chuyện không may. Họ sẵn sàng tạo "xì căng đan" cho người khác như một cách thức tấn công hình ảnh, danh dự, thậm chí gây thiệt hại cho công việc của cá nhân đó.

Có những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội vô hại, nhưng có những thông tin gây hoang mang cho cộng đồng, gây tổn thương danh dự, làm xấu đi hình ảnh của cá nhân, tổ chức. Chưa kể, có những thông tin sai sự thật về sản phẩm, dịch vụ, gây thiệt hại lớn về vật chất và thương hiệu của doanh nghiệp.

Phải xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật để răn đe. Đặc biệt là đối với những người tự cho rằng, lên mạng xã hội thì thích viết gì, nói gì cũng được, tấn công và làm hại ai cũng được.

Người tham gia mạng xã hội cần có ứng xử văn minh, mà tiêu chí văn minh trước hết là không vi phạm pháp luật, sau đó mới đến các giá trị về đạo đức, nhân văn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn