MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần sách giáo khoa chất lượng cao, không cần nhiều tiến sĩ biên soạn. Ảnh: Trần Trọng

Hơn 1.000 tiến sĩ biên soạn, hy vọng sách giáo khoa đạt chất lượng cao

Lê Thanh Phong LDO | 30/09/2022 14:00
Có 1.574 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa mới, trong đó 70% có trình độ từ tiến sĩ trở lên.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, 6 khối lớp đang sử dụng sách giáo khoa mới là 1, 2, 3 (tiểu học), 6, 7 (THCS) và 10 (THPT). Có 1.574 tác giả đã tham gia biên soạn, trong đó 384 biên soạn sách giáo khoa lớp 10; 318 biên soạn sách lớp 7; các lớp còn lại trên dưới 200 người. Các tác giả đều đạt chuẩn theo quy định, khoảng 70% có trình độ từ tiến sĩ trở lên.

Với hơn 1.000 tiến sĩ tham gia biên soạn, hy vọng sách giáo khoa sẽ có chất lượng cao. Mục đích của biên soạn sách là làm sao để đạt chất lượng cao nhất, phục vụ giảng dạy hiệu quả. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục Đào tạo mời nhiều tiến sĩ tham gia.

Cha ông dạy rằng, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, 1.000 tiến sĩ cũng tốt, nhưng quan trọng là chất lượng. Đông nhưng ngồi vào cho có thêm mâm thêm bát thì cũng chẳng ích gì. Đông mà tiến sõ "lò ấp", tiến sĩ giấy thì có hại nhiều hơn. Con cái chúng ta học những kiến thức do tiến sĩ "lò ấp" biên soạn thì quá nguy hiểm.

Có thể, xã hội hóa, bỏ độc quyền biên soạn sách sẽ loại trừ được những chuyên gia dỏm, tiến sĩ giấy.

Những năm qua, có nhiều đánh giá về sách giáo khoa, các chuyên gia chỉ ra một số hạn chế, thậm chí sai sót. Đó cũng là điều tốt, để các nhà biên soạn sau tham khảo, làm việc nghiêm túc, để đạt chất lượng cao nhất có thể.

Cũng có nhóm chuyên gia độc lập biên soạn một bộ sách giáo khoa như nhóm biên soạn bộ sách "Cánh Diều". Cánh Diều là bộ SGK xã hội hóa đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Từ phát pháo "Cánh Diều", đến nay đã có những thay đổi, và chủ trương xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa được mở rộng. Có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Vinh, Đại học Huế. Ngoài ra, có 3 công ty cổ phần khác tổ chức việc biên soạn.

Xóa bỏ độc quyền biên soạn sách giáo khoa, huy động được đông đảo nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia, chắc chắn chất lượng sách giáo khoa được nâng cao.

Xóa bỏ độc quyền là xóa bỏ nhóm lợi ích, cạnh tranh sòng phẳng đương nhiên sẽ thúc đẩy tiến bộ, sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu của phát triển.

Nhiều bộ óc giỏi giang làm sách, đa dạng sản phẩm thì học sinh, giáo viên có nhiều lựa chọn. Thị trường sẽ có quy luật sàng lọc, những sản phẩm chất lượng cao sẽ tồn tại. Quá trình chọn lọc đó sẽ nâng chất lượng sách giáo khoa lên, từ đó tác động tích cực đến chất lượng giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn