MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2015, thuật ngữ "nghiên cứu khoa học xếp tủ" được đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương đưa ra lần đầu khi chất vấn về tình trạng "bỏ ra hàng tỉ đồng nghiên cứu khoa học rồi in ấn đẹp, sau đó xếp tủ không ứng dụng". Ảnh: Quốc hội

Hơn 3 ngàn nhà nghiên cứu, 141 tỉ đồng và... 1 công trình khoa học quốc tế

Anh Đào LDO | 26/12/2019 12:44
Những con số ấy xuất hiện ở tỉnh chưa giàu là Thanh Hóa, trong một báo cáo về chiến lược phát triển khoa học và công nghệ. Và đó là kết quả cả một năm 365 ngày của hùng hậu 3.116 cán bộ nghiên cứu, trong đó có 18 phó giáo sư, 149 tiến sĩ, 1.067 thạc sĩ.

Nói 1 công trình ở đây là công trình khoa học quốc tế được công bố, và cần công bằng để kể là còn có thêm 10 công trình trong nước nữa. Nhưng cũng chỉ đến thế.

Thanh Hóa là tỉnh còn chưa giàu. Năm 2018, nhờ “đầu kéo” Lọc dầu Nghi Sơn, ngân sách địa phương này mới lần đầu vượt lên trên 20 ngàn tỉ (gấp 1,76 lần năm 2017) nhưng chi cho sự nghiệp khoa học (115 tỉ/141 tỉ đầu tư) đã gấp 2,3 lần trung ương phân bổ.

Có nghĩa rằng có chú trọng, có đầu tư, hiểu được vai trò của khoa học công nghệ, nhưng rồi thì kết quả quá là khiêm tốn.

Bởi trong cơ cấu “công trình khoa học”, hầu hết là công trình công bố trong nước với: 15 bài viết đăng tạp chí, 3 bài viết tham dự hội thảo; 1 bài giảng. Chỉ duy nhất có một bài viết hội thảo được công bố quốc tế.

Vũ Ngọc Hải, Giáo sư Đại học Myongji, Hàn Quốc từng so sánh rất thú vị: Giá một bài báo (quốc tế) trung bình cỡ 10 tờ giấy A4 trọng lượng 40 gram khoảng 70 đến 100 triệu đồng - tương đương 2 cây vàng. Như vậy, giấy đắt gấp đôi vàng.

So sánh trọng lượng và giá trị bài báo giấy, và vàng, chỉ là cách để giáo sư Hải nhấn mạnh “giá trị tiền tệ” và quyền lực ghê gớm của một công bố khoa học quốc tế. Một cái đích của các nghiên cứu. Và cũng là cái thước, cái cân đo lường, đánh giá chính xác nhất giá trị của các khoản đầu tư cho khoa học.

Tháng 3 năm ngoái, chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng đề nghị Bộ trưởng đánh giá về hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học. “Có hay không tình trạng các đề tài nghiên cứu khoa học “bỏ ngăn tủ”.

Khi ấy, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói “bỏ ngăn tủ” chỉ là cách ví von, nhưng đó cũng là “một thực tế” khiến nhiều thế hệ của Bộ Khoa học và Công nghệ trăn trở điều này.

Và “với trách nhiệm từng đồng thuế của nhân dân” để “nhìn một cách tổng thể, thấu đáo”, Bộ trưởng xác nhận chậm ứng dụng nghiên cứu trong cuộc sống là lãng phí.

Trách nhiệm với đồng thuế của dân. Nhưng 141 tỉ để có “2 cây vàng”.

Sự không tương xứng. Và không ít trong đó, nói một cách văn vẻ - nghiên cứu dài lê thê, chậm ứng dụng, chưa có tính lan tỏa... - có lẽ, cũng chỉ là một biểu hiện khác của cái đích “bỏ ngăn tủ”?

Cũng giống như “bỏ ngăn tủ” là một cách nói khác của “xếp hộc tủ” mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương từng dùng để bình luận về “hàng tỉ đồng nghiên cứu khoa học rồi in ấn đẹp, sau đó xếp tủ không ứng dụng”... từ thời cựu Bộ trưởng Nguyễn Quân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn