MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cả nước có hơn 364 nghìn thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học. Ảnh: Lệ Hà

Hơn 364 nghìn thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học là điều bình thường

Hoàng Văn Minh LDO | 16/08/2023 20:17

Năm nay, cả nước có đến hơn 364 nghìn trên tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp đã không đăng ký xét tuyển đại học, chiếm tỉ lệ 35,5%.

Lý do các thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học là để tham gia giáo dục nghề nghiệp, du học, xuất khẩu lao động hoặc lao động trực tiếp...

Năm 2022, con số này là 325 nghìn với các lý do tương tự năm nay.

Thật ra, nếu các con số thống kê vừa kể, nếu là chục năm trước thì đúng là đáng báo động. Tuy nhiên ở thời điểm này thì lại là chuyện rất bình thường, thậm chí là mừng nhiều hơn lo bởi nhiều lý do.

Trước hết, việc thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học hoặc đăng ký xét tuyển có kết quả đỗ rồi nhưng “không thèm” nhập học là “thành quả” hay sự minh hoạ cho công cuộc đổi mới căn bản giáo dục, bắt đầu từ 10 năm trước – mô hình giáo dục phi đồng nhất, để phân biệt với mô hình giáo dục đồng nhất (uniform education system), hay còn gọi là “giáo dục đồng phục” trước đó.

Giáo dục phi đồng nhất, như Luật Giáo dục 2019 đã khẳng định, giáo dục phổ thông thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Ngoài chương trình giáo dục chung, thống nhất trong toàn quốc, còn có phần giáo dục địa phương về lịch sử, văn hóa, địa lý, kinh tế do từng địa phương biên soạn, ban hành..

Ngoài trường phổ thông bình thường và trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp, hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông quốc tế... được triển khai ở nhiều địa phương. Nhiều trường trong số này đã xây dựng triết lý, sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu riêng, hướng đến đào tạo công dân toàn cầu…

Thí sinh bây giờ có rất nhiều sự lựa chọn do tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp cũng do các trường tự chủ với nhiều phương thức xét tuyển theo xu hướng của thế giới và đa dạng hóa giáo dục sau trung học…

Thứ nữa là bây giờ, vào đại học không phải là con đường duy nhất để có thể “đổi đời” hay tìm được một công việc có thu nhập tốt.

Đó là chưa nói đến, học đại học với mức học phí dao động từ 30 - 50 triệu đồng/năm/sinh viên như hiện nay là quá sức so với thu nhập của số đông người dân.

Trong khi ra trường, thực tế lại có rất nhiều người không xin được việc làm, thậm chí có người phải giấu bằng để đi làm công nhân…

Dĩ nhiên đổi mới giáo dục mới chỉ đạt được một vài thành quả bước đầu. Và chặng đường phía trước vẫn còn rất nhiều gian nan do nhiều công đoạn giáo dục cũng như thói quen của giáo dục đồng phục, “tư duy văn mẫu” đã ăn sâu đối với lớp lớp giáo viên và cả người dân.

Thậm chí có những đổi mới tưởng đã thành nếp, nhưng lâu lâu vẫn còn có những đề xuất kiểu đi ngược sự tiến bộ, muốn quay trở về với “giáo dục đồng phục” và độc quyền.

Như mới nhất có ý kiến cho rằng, cần có thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngoài 4 bộ sách của các đơn vị xã hội hóa vì lo ngại việc sử dụng nhiều bộ sách dẫn đến sự thiếu thống nhất trong dạy và học trên phạm vi cả nước là một ví dụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn