MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ sĩ Kim Tử Long: Tiền tôi đóng 3 năm đã bị mất. Ảnh: nghệ sĩ cung cấp.

Hợp đồng bảo hiểm diện… “mồ côi”, nhãng ra là mất trắng

Anh Đào LDO | 15/04/2023 12:18

Khi mời mình mua thì họ xem mình như vua chúa, ngày nào cũng gọi, cũng năn nỉ mua bảo hiểm”. Nhưng mua rồi thì sao? Thì ối giời ôi. Thì “mồ côi”.

Sau hợp đồng bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan gây bão dư luận, đến lượt nghệ sĩ Kim Tử Long lên tiếng về trường hợp “mất trắng” hơn 100 triệu đồng.

Cái từ “vua chúa” là của chính Kim Tử Long. Rằng khi mời thì họ xem mình như vua chúa, ngày nào cũng gọi, cũng năn nỉ mua bảo hiểm.

3 năm sau khi mua, với mỗi năm đóng 40 triệu, người nghệ sĩ đã đóng hơn 100 triệu đồng.

Nhưng đến năm thứ 4, chỉ vì nhiều việc, chỉ vì nhãng đi một cái, Kim Tử Long quên đóng. Và khi liên hệ lại, anh nhận được thông báo hợp đồng đã bị huỷ.

Kim Tử Long đặt câu hỏi: Khi tư vấn viên không làm việc nữa, tại sao bên bảo hiểm không cử một người mới chăm sóc cho tôi.

Câu hỏi của Kim Tử Long, cũng là câu hỏi chung của rất nhiều người đang coi mình là nạn nhân của bảo hiểm. Đó cũng là vấn đề đặt ra trong việc quản lý.

Hôm 14.4, tại tọa đàm "Hợp tác giữa Bảo hiểm - Ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ", bà Phạm Thị Phương, một quan chức của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã nhắc tới 4 chữ: Hợp đồng mồ côi.

Về mặt ngôn từ hành chính, thì đó là tình trạng người mua bảo hiểm đơn độc với các hợp đồng bảo hiểm khi đại lý tư vấn/nhân viên ngân hàng khai thác hợp đồng đã nghỉ việc.

Còn trong thực tế, đó là khi những khách hàng/vua chúa, đã đặt bút ký vào hợp đồng... rồi thì cứ thế đóng tiền, thì kệ, thì quên đóng là coi như mất trắng.

Khách hàng, chẳng hạn Ngọc Lan hay Kim Tử Long có lỗi trong những trường hợp này không?!

Có! Ở việc Ngọc Lan đã “không đọc kỹ hợp đồng dài hơn 100 trang trước khi đặt bút ký” - như chính cô thừa nhận. Hay Kim Tử Long, đã “quên” không tiếp tục đóng tiền.

Nhưng khi đó, nhân viên bảo hiểm ở đâu? Đã làm gì?

Theo Bộ Tài chính, tới cuối 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm trên cả nước ước đạt 251.306 tỉ đồng, trong đó, phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm nhân thọ đạt tới 183.105 tỉ đồng. Số lượng hợp đồng có hiệu lực vào khoảng 14,3 triệu hợp đồng.

Có nghĩa rằng một nguồn lực, một số lượng tài sản rất lớn, của rất nhiều người dân đang nằm tại bảo hiểm.

Bảo hiểm có xấu không? Không! Trừ việc để kệ những hợp đồng mồ côi, như chỉ mong người dân “quên đi một cái” là mất trắng tài sản. Trừ việc để khách hàng/vua chúa rơi vào tình trạng nhầm lẫn đến mức “tai nghe 10 năm đáo hạn, tay ký hợp đồng tới 74 năm”....

Có lẽ, phải có một lần làm “ra ngô ra khoai” chứ không để khách hàng- người dân như bị lừa mãi vậy được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn