Thế mới cần vai trò định hướng, hướng nghiệp của người thầy.
Nhưng thật đáng tiếc, không ít trường học vì muốn thành tích, nên phân loại học sinh, lợi dụng định hướng để ép học sinh di “luồng” khác, không thi vào lớp 10 công lập, để nhà trường có tỉ lệ đỗ cao. Vì thành tích, vì cái danh hão của nhà trường, mà đẩy học sinh đi theo hướng không phải là lựa chọn của các em, đó không phải là cái tâm, cái trí của người thầy.
Hướng nghiệp bằng cái tâm là xuất phát từ tình yêu thương, trách nhiệm của người thầy với học trò. Người thầy luôn mong muốn học trò đi đúng con đường học tập, tiết kiệm thời gian và tiền bạc, sau này trở thành người thành đạt, có ích cho gia đình, cho xã hội.
Hướng nghiệp bằng cái trí là xác định đúng trình độ, khả năng, năng khiếu của từng em, tư vấn để học trò lựa chọn đúng con đường phát huy được năng lực. Có người sinh ra không làm nhà khoa học, nhưng là tài năng âm nhạc, hội họa, thể thao. Có người sinh ra không làm nhà quản lý, nhưng giỏi về nấu ăn, cắt may, trang điểm. Có người sinh ra không để làm thầy, mà làm thợ xuất sắc, lành nghề... Nói làm sao để thuyết phục được mọi người, ai cũng thấy mình phải đi đúng đường, đó mới là tư vấn hướng nghiệp đúng bản chất của công việc này.
Hiện nay, lớp 10 công lập có giới hạn, không đủ chỗ cho tất cả học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học. Vậy thì còn các trường tư thục, dân lập và trường nghề.
Các trường tư chất lượng cao vẫn thu hút học sinh, đó là một lựa chọn. Nhưng nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý là trường công tốt hơn, cho dù có khả năng tài chính cho con vào trường tư vẫn cứ tranh cho được ghế trường công. Ở đây, cần sự bình tĩnh để lựa chọn, để quyết định cho con vào trường tư, khỏi áp lực thi cử. Đường học còn dài, đường thành công còn thênh thang hơn, cái đích không phải là vào lớp 10 công lập nên chẳng cần chen chúc mệt mỏi.
Trường nghề là một địa chỉ đáng để lựa chọn cho nhiều học sinh, và nhiều bạn đã thành công khi chọn con đường này. Học để có một cái nghề, sống bằng nghề, còn hơn cầm cho nhiều bằng cấp trong tay nhưng thầy không ra thầy, thợ chẳng ra thợ. Các phụ huynh cũng nên tham khảo, có những trường đại học mà tấm bằng không có giá trị bằng trường nghề có thực chất.