MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hy sinh việc trước mắt, vẫn phải tính kế lâu dài

Hoàng Lâm LDO | 31/03/2020 12:02

Từ ngày 1.4, dịch vụ xổ số kiến thiết tạm ngừng trong vòng 2 tuần. Hai tuần ấy, hàng vạn lao động nghèo bán vé số dạo phải ngồi nhà. Báo Lao Động dẫn lời một người bán vé số quê Vĩnh Long nói rằng mỗi chiếc vé số chỉ “lãi” 1.000 đồng, mỗi ngày bán trung bình 100 vé số nhưng phải đi 20 - 30km. Hai tuần ngồi không, nghĩa là mất đứt 1,5 triệu đồng.

Đó chỉ là một ví dụ trong hàng trăm nghìn lao động có nguy cơ phải ngồi không, hoặc bị đẩy ra đường vì mất việc làm bởi dịch COVID-19.

Giải pháp cho nhóm lao động này như thế nào? Đã có ý kiến cho rằng cần “cấp tiền mặt” cho dân như nhiều nước đã và đang làm. Như Australia vừa quyết định chi tới 80 tỉ USD hỗ trợ cho 6 triệu lao động, mỗi người được cấp gần 1.000 USD mỗi 2 tuần trong 6 tháng liền. 

Hoặc như Hàn Quốc, vừa quyết định chi khoảng 800USD cho mỗi hộ gia đình có thu nhập thấp. Sẽ có khoảng 14 triệu hộ gia đình như vậy.

Việt Nam có thể áp dụng phương án “tiền mặt trao tay” được không? Câu trả lời là “Có”. Nhưng đó có lẽ là giải pháp khi không còn giải pháp nào khác. Và quy mô GDP trên 266,5 tỉ USD năm 2019 thì khoản hỗ trợ, nếu có sẽ không thể vài chục tỉ USD như cách mà Australia hay Hàn Quốc đã làm. Và trên hết, trao tiền mặt thực chất là “bóc ngắn, cắn dài” trong bối cảnh chúng ta đang cần tiền, rất cần tiền để duy trì, tái thiết và phát triển kinh tế. Nếu chỉ nghĩ về con cá, nghĩa là chúng ta sẽ đánh mất dần “quốc lực” đã gây dựng được trong nhiều năm. Trên thực tế, Chính phủ cũng đã bàn đến những giải pháp ngắn hạn và trung hạn với 4 nội dung mà Thủ tướng “đặt hàng” các bộ phải quyết liệt đưa ra các giải pháp khả thi. Trong đó, hai nội dung “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công” là những giải pháp trung hạn. Hai nội dung “hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19” là giải pháp trước mắt, ngắn hạn.

Phải có biện pháp giữ ổn định sản xuất kinh doanh, nếu không, không thể giải quyết việc làm và tăng trưởng. Hỗ trợ người lao động không có nghĩa là “cho tiền mặt” mà là đưa ra các gói tài chính, cơ chế nhằm kích thích sản xuất, mở rộng thị trường để người lao động có việc làm, từ đó có thu nhập.

Đó chính là giải pháp đưa ra chiếc cần câu chứ không phải con cá trước mắt. Đó cũng là giải pháp mang tính lâu dài, phù hợp với tiềm lực kinh tế đất nước.

Thủ tướng đã nói rất rõ ràng: “Chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống của nhân dân, của công nhân, đối tượng chính sách”. Đó là cam kết của người đứng đầu Chính phủ.

Xổ số kiến thiết tạm dừng, nhưng công cuộc kiến thiết đất nước thì không được ngừng nghỉ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn