MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), nơi những chiếc iPad made in Vietnam sẽ được sản xuất (Ảnh: Báo Chính phủ)

IPad logo "quả vải cắn dở"

Anh Đào LDO | 20/01/2021 10:49

“Liệu có một lúc nào đó, những chiếc iPad sẽ đổi logo. Quả táo cắn dở sẽ thay bằng… quả vải, khi nhà máy lắp ráp iPad đã chính thức được đặt ở Bắc Giang”.

Ngoặc kép chỉ là dẫn một comment vui đùa trên mạng xã hội dưới bản tin Foxconn Singapore PTE Ltd được trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy Fukang Technology tại Bắc Giang.

Một comment fun, nhưng không giấu được niềm vui từ có lẽ là một người dân bình thường nhất. Bởi đây là một dự án nhà máy sản xuất, gia công máy tính bảng (iPad), máy tính xách tay có quy mô công suất tới 8 triệu sản phẩm/năm. Và tổng vốn đầu tư đăng ký 270 triệu USD, tương đương 6.233 tỉ đồng.

Và, cái này còn quan trọng hơn, khi dự án đi vào sản xuất sẽ cần khoảng 40.000 lao động.

4 vạn lao động, có nghĩa là 4 vạn việc làm, là sinh kế của 4 vạn gia đình.

Sự kiện Foxconn đặt nhà máy sản xuất những chiếc iPad “quả vải cắn dở”, một cách rõ ràng, cho thấy Việt Nam thực sự là một điểm đến, một cái “ổ”. Điểm đến cho các làn sóng đầu tư đang dần dịch chuyển. Và cái “ổ” cho đại bàng.

Tạo ổ cho đại bàng là chữ dùng của Thủ tướng. Và hồi giữa năm ngoái, người đứng đầu Chính phủ đã nhanh chóng thành lập một tổ công tác đặc biệt để đón đầu, tranh thủ các luồng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, với trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao...bằng các biện pháp cách làm thiết thực.

Có lẽ, cũng nên đặt ra câu hỏi vì sao Foxconn chọn đặt nhà máy ở Bắc Giang mà không phải là một địa phương khác!

Bắc Giang, năm 2020 này có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tới 13,02%, cao nhất cả nước. Quy mô GRPD tương đương 5,3 tỉ USD, tăng 17,1%; GRDP bình quân đầu người đạt 2.900 USD, tăng 14,2%.

2020 cũng là năm đầu tiên, quả vải thiều của tỉnh này xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản.

Một môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Những thủ tục được rút ngắn đến tối đa. Một mặt bằng sạch luôn sẵn sàng. Một định hướng nhất quán, xuyên suốt, không “tư duy nhiệm kỳ”. Những người lãnh đạo cởi mở... Nhưng quan trọng hơn, Bắc Giang có một lợi thế lớn về chất lượng nguồn nhân lực.

Chủ tịch Bắc Giang Lê Ánh Dương có lần trao đổi với báo chí rằng việc đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp một cách chủ động đã tạo ra một lực lượng 70% lao động đã qua đào tạo, giúp chủ động nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật, tay nghề cao.

Phép cộng của tất cả những điều đó đã tạo ra một điểm đến Bắc Giang, với hơn 472 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là hơn 6 tỉ USD. Và vừa xong, 4 dự án, với tổng vốn đăng ký 570 triệu USD.

Làn sóng dịch chuyển đầu tư của thế giới thì ai cũng biết. Nhưng để “đón được đại bàng” thì rõ ràng là không thể ngồi một chỗ như thể chờ sung rụng được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn