MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

iPhone “Made in VietNam”

ANH ĐÀO LDO | 05/08/2019 10:36

Có thể là muộn, nhưng việc đưa ra một khái niệm “Made in VietNam” sẽ tránh được rất nhiều rắc rối và những hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại đã trở nên hết sức... phổ biến.

Một nửa số điện thoại bán ra trên toàn cầu của tập đoàn Samsung được lắp ráp tại Việt Nam. Tiếp theo, có thể Apple cũng sẽ đặt cơ sở sản xuất tại đất nước hình chữ S. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã đem đến cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn - Một nhận định được đưa ra trên New York Times hồi đầu tuần.

Phải kể thêm, khoảng một nửa số giày bán ra của hai hãng thể thao Nike và Adidas đang được sản xuất tại Việt Nam. Và Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất lớn của thế giới về quần áo, giày dép, sản phẩm thủ công...

Trên bảng xếp hạng 100 Thương hiệu Quốc gia có giá trị nhất thế giới năm 2018 do Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỉ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh (A+), tăng hơn 2 bậc (hạng 43) và hơn 30 tỉ USD do với 2017 (203 tỉ và hạng 45).

Samsung made in Vietnam, hay Adidas, Nike made in Vietnam hay sắp tới, rất có thể iPhone made in Vietnam, cho thấy những cam kết thu hút đầu tư của Chính phủ đang tạo ra sự biến chuyển lớn. Nhưng việc bảo vệ thương hiệu quốc gia mà cho đến giờ vẫn chưa có một khái niệm chính thức thế nào là “made in Vietnam” thì không chỉ là muộn. Nó là một thiếu sót mà những tranh luận xung quanh hàng ghi nhãn “Made in Vietnam” trong vụ Asanzo là một ví dụ. Chưa kể những hệ lụy nguy hiểm nếu hàng hóa nước ngoài “đội lốt” made in Vietnam bị xem xét áp thuế đặc biệt.

Hôm qua, Bộ Công Thương vừa chính thức công bố một dự thảo quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm hàng hóa, sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, trường hợp được coi là sản phẩm của Việt Nam phải có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam. Trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam vẫn được coi là hàng hóa Việt Nam nếu trải qua giai đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa. Theo Bộ Công Thương, dự thảo Thông tư này có áp dụng các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới. Và quan trọng hơn, “không làm phát sinh thêm chi phí nào cho doanh nghiệp”.

Việc đưa ra một khái niệm, một quy định ngay lúc này là rất cấp bách không những nó tránh được những trường hợp “oan sai” trong kinh tế cho các DN mà còn bảo vệ, còn làm tăng giá trị hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày càng khốc liệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn