MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiếu tướng Tô Cao Lanh cung cấp thông tin về vụ việc nữ chủ tịch huyện nghi bị lừa đảo 170 tỉ đồng. Ảnh: Quang Việt

Kê khai tài sản không trung thực, nhìn từ vụ bà Nguyễn Thị Giang Hương

Lê Thanh phong LDO | 16/06/2024 06:00

Xem xét đề nghị thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch - đó là thông báo của Ủy ban Kiểm tra tỉnh Đồng Nai ngày 13.6.

Qua kiểm điểm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy, bà Nguyễn Thị Giang Hương có khuyết điểm, vi phạm: “Kê khai tài sản không trung thực”.

Bà Nguyễn Thị Giang Hương được dư luận biết đến khi xảy ra vụ mất tiền liên quan đến tội phạm công nghệ. Tại cuộc họp báo quý I do Bộ Công an tổ chức ngày 26.3, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thông tin về vụ nữ Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị mất khoảng 170 tỉ đồng.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi, một chủ tịch huyện với đồng lương nhà nước, làm gì để có số tiền lớn như vậy trong tài khoản để bị lừa lấy mất.

Tất nhiên, cá nhân có số tiền lớn có thể từ nhiều nguồn, không chỉ là đồng lương, còn nguồn tiền đó có sạch không, có hợp pháp không lại là chuyện khác. Có thể là tiền trong tài khoản của bà Nguyễn Thị Giang Hương, nhưng huy động từ người thân, bạn bè, không phải chỉ của cá nhân bà.

Chưa có câu trả lời cụ thể cho số tiền 170 tỉ đồng mà bà Nguyễn Thị Giang Hương bị lừa đảo, nhưng việc xem xét đề nghị thi hành kỷ luật đối với bà vì có khuyết điểm, vi phạm: “Kê khai tài sản không trung thực”, cho thấy đã có tài sản không được bà kê khai.

Từ trường hợp của bà Nguyễn Thị Giang Hương, cán bộ thuộc diện kê khai tài sản cần lấy làm bài học, đó là tài sản không kê khai có thể giấu giếm, che đậy được lúc này lúc khác, nhưng có khi sẽ bị lộ ra. Trong trường hợp bà Giang Hương, vì xảy ra vụ lừa đảo 170 tỉ đồng, các cơ quan vào cuộc, đã làm rõ được chuyện kê khai không trung thực.

Nhiều vụ án khác, liên quan đến trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo. Khi cơ quan điều tra tham gia, lộ ra nhiều tài sản mà trước đó không kê khai.

Thực tế này cho thấy, việc kê khai tài sản không phải lúc nào cũng đúng như các báo cáo được đưa ra, mà có thể còn những trường hợp cố tình vi phạm, kê khai không trung thực.

Trong bài "Kỷ luật 48 người kê khai tài sản không trung thực, thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng" ngày 14.1.2024, Báo Lao Động thông tin, trong năm 2023 có 328.766 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ. Trong số này có 8.574 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; qua đó có 6 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Chỉ 6 người/328.766 người kê khai tài sản không trung thực, liệu có thuyết phục không hay còn có những trường hợp như bà Nguyễn Thị Giang Hương?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn