MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Túp lều" gần 4.000 m2, 4 mặt tiền đứng tên... vợ của cựu bí thư thành ủy Kon Tum. Ảnh: Thanh Tuấn

Kê khai tài sản: Từ chuyện tài khoản ông... bố vợ

Đào Tuấn LDO | 07/01/2023 11:29

430.000 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập, có 10.662 người được xác minh, song chỉ có 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.

Trong vụ AIC, cựu Chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái khai đã dùng phần lớn trong số 14,5 tỉ tiền hối lộ để đóng học cho con cái du học tại Mỹ.

14,5 tỉ đồng ấy có được kê khai trong các bản kê hàng năm không? Có cơ quan nào phát hiện biến động số tiền rất lớn ấy không?

Hỏi, cũng đã là trả lời.

Bởi sự thật là trong 8 năm 81 ngày của các nhiệm kỳ Chủ tịch tỉnh, ông Thái chưa từng nằm trong danh sách kê khai tài sản không trung thực.

Mà cũng không chỉ ông Thái.

Cả năm 2022, chỉ có 2 trường hợp kê khai tài sản không trung thực. Con số vừa được Thanh tra Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, như là kết quả của một trong những biện pháp chống tham nhũng.

2 trong 10.662 trường hợp được xác minh - đúng hơn là 2 trong 430.000 người kê khai. Nó nhỏ bé, li ti, đến mức không thể tính bằng con số %. Điều này có thể hiểu là tuyệt đại đa số người kê khai trung thực? Hay là biện pháp kê khai tài sản hầu như không có tác dụng?

Còn nhớ trong vụ án Việt Á, có một chi tiết là ông Trần Gia Phú, Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, đã nhận “lót tay” 2 tỉ đồng từ Việt Á. Số tiền này được chuyển 2 lần vào tài khoản cá nhân của ông Phú và 2 lần vào tài khoản của… bố vợ ông Phú.

Chỉ đến khi vụ Việt Á "toang", thanh tra vào cuộc, ông này mới “báo cáo” 2 tỉ đồng “hoa hồng” và xin nộp lại vào ngân sách.

Chúng ta có thể kiểm tra tài khoản, tài sản của… bố vợ, người thân một quan chức không?

Câu hỏi này, năm 2018, từng được đặt ra bên hành lang Quốc hội. Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ năm ấy là ông Phạm Trọng Đạt trả lời thẳng băng: Theo quy định thì người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản của vợ (chồng), con chưa thành niên. Nhưng nếu họ để bố, mẹ, anh, chị, em... đứng tên tài sản thì cơ quan chức năng không làm gì được.

Ông Đạt nói thêm: Bây giờ quan chức có 4-5 cái nhà có bao giờ lấy tên mình hay tên vợ đâu. Toàn lấy tên người thân, mà người thân thì không thuộc đối tượng kê khai, ai có quyền kiểm tra!

Năm nay, đã có sự đổi mới trong việc xác minh kê khai tài sản bằng việc bốc thăm ngẫu nhiên chọn cán bộ. Nhưng con số hài hước chỉ 1-2 cán bộ không trung thực có lẽ sẽ không thay đổi nếu không làm tới gốc của vấn đề là những… ông bố vợ, là câu chuyện nhờ đứng tên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn