MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ghi nhận của PV tại một số tuyến đường nội thành Hà Nội trong sáng 12.5, các phương tiện di chuyển khó khăn, nhiều đoạn ùn tắc kéo dài. Ảnh Tô Thế

Kẹt xe kinh hoàng, đâu rồi công nghệ, đâu rồi trực tuyến!

Lê Thanh Phong LDO | 13/05/2020 08:28

Hà Nội tắc đường gần như toàn thành phố, hàng vạn người kẹt cứng, hàng vạn phương tiện nhích từng centimet, đã đến lúc phải công bố ùn tắc giao thông là một thảm họa của Thủ đô Hà Nội.

Thảm họa này gây ra những thiệt hại rất lớn cho xã hội, cho môi trường sống, cho tâm lý, tinh thần của con người đô thị.

Và vụ kẹt xe khủng khiếp hôm qua ngày 12.5 làm cho chúng ta “nhớ” về những ngày bị cách ly trong đại dịch. Đường phố vắng, thành phố đẹp, không khí trong lành, bầu trời Hà Nội xanh thăm thẳm. Và lúc đó con người thật lãng mạn, tưởng tượng ra những ngày tháng tới, với cuộc sống bình thường nhưng rất mới.

Đó là, phần lớn các cơ quan nhà nước, công ty, tổ chức, cá nhân sẽ làm việc online. Con người sống và làm việc bằng khai thác công nghệ, một cuộc sống 4.0 đang hiển hiện trước mắt. Bởi vì, nhiều người nhận ra rằng, nhờ con virus SARS-CoV-2 mà ta biết có nhiều cách để sống và làm việc chất lượng hơn, hiệu quả hơn cách mà chúng ta từng thực hiện. Cụ thể là làm việc trực tuyến, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu công việc, thậm chí tốt hơn.

Nhưng rồi, cuộc sống bình thường mới như mơ ước đâu chẳng thấy, nó còn cũ hơn cả trước dịch. Bỏ thói quen cũ, tập quán cũ thật khó, cho dù biết đó là thói quen xấu, tập quán xấu.

Và rồi, chẳng bao lâu, bầu trời Hà Nội sẽ đen kịt, sẽ là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Và rồi, hằng ngày, hàng vạn người vật lộn với nạn kẹt xe, khổ sở, vất vả.

Kẹt xe như chứng bệnh kinh niên của Hà Nội, đau hơn là ở chỗ, vẫn có thuốc chữa nhưng không chịu “uống”, đó là giải pháp để hạn chế ùn tắc, bằng môi trường làm việc trực tuyến, họp trực tuyến, học trực tuyến. Trừ những công việc đặc biệt, hoặc một bộ phận đặc biệt của một số đơn vị, còn phần lớn có thể chuyển sang làm việc online.

Trường phổ thông, đại học có thể thiết kế một số môn học bằng phương pháp trực tuyến hoặc qua truyền hình. Trong thời gian cách ly xã hội vì dịch COVID-19, nhiều nơi đã triển khai rất tốt, tại sao không tiếp tục thực hiện, sửa đổi những chỗ chưa phù hợp để có được mô hình làm việc, học tập tốt nhất, mà quay lại con đường cũ, lạc hậu, kém hiệu quả và gây ra thiệt hại chung.

Nhiều người háo hức chờ đợi một cuộc “cách mạng” thật sự trong đổi mới cách làm việc sau đại dịch và cho đó là cơ hội lớn của Việt Nam. Những “cải cách”, “đổi mới”, “cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, “công nghệ 4.0” không thể là những ứng dụng nhất thời trong dịch bệnh mà phải biến thành một phương châm hành động ngay cả trong môi trường sống bình thường bởi những hữu ích mà nó mang lại quá to lớn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn