MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khai thác cát biển mới đáp ứng được nhu cầu hiện nay và lâu dài

Lê Thanh Phong LDO | 17/05/2024 10:00

Các dự án cao tốc đang vướng phải khó khăn là thiếu cát. Tại khu vực ĐBSCL, cần một khối lượng cát khoảng 63 triệu m3 để cung cấp cho các dự án cao tốc, nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng hơn một nửa. Chưa kể, còn nhiều dự án, công trình tư nhân, xây dựng nhà cửa, cũng cần một lượng cát rất lớn.

Nếu như bằng mọi cách để có đủ cát cho một hai dự án hiện tại, thì cũng không còn cát cho các dự án tiếp theo. Không chỉ các dự án tại ĐBSCL, mà ở các khu vực lân cận như TPHCM, dự án Vành đai 3 khởi công từ tháng 6.2023, đang triển khai thi công nhưng thiếu nguồn cát san lấp nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Trong chuyến khảo sát thực tế công trường thi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ngày 12.5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương trong vùng phối hợp chặt chẽ, hoàn thành thủ tục để khai thác các mỏ, trong đó có cát biển. Thủ tướng đề nghị phải giải quyết các vấn đề về mỏ nguyên vật liệu cho dự án trong tháng 5.

Rõ ràng, nguồn nguyên liệu cát ở các mỏ hiện tại không đủ để cung cấp cho các dự án, thì phải tính đến nguồn cát biển. Chưa kể, nếu khai thác cạn kiệt nguồn cát ở các con sông, nạo vét đến tận cùng, sẽ làm biến đổi tự nhiên, nguy cơ sạt lở xảy ra, đe dọa cuộc sống và an toàn của người dân.

Nguồn cát biển đã được thế giới khai thác làm nguyên liệu cát xây dựng, nhưng với Việt Nam vẫn còn mới mẻ. Nhưng cho dù thử thách cũng phải bắt kịp với công nghệ hiện đại của thế giới, chúng ta nói quá nhiều về hiện đại hóa, "Make in Việt Nam", thì những lúc này cần chứng minh bằng sản phẩm. Đó là khai thác được nguồn cát biển làm cát nguyên liệu đạt chất lượng, với giá thành hợp lý.

Tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cát biển đạt 680 triệu m3, có thể đáp ứng được nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng ĐBSCL. Nhưng muốn có nguồn cát đáp ứng cho các dự án, ngoài khoa học công nghệ, còn có sự hoàn thiện về mặt pháp lý để triển khai thực hiện. Khai thác tài nguyên ngoài biển không thể cứ nói là đưa máy ra hút lên, mà đảm bảo công tác quản lý phải đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến thiếu hụt nguồn cát, cũng cần lưu ý thêm ý kiến của ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM, đó là làm cầu cạn, chi phí đầu tư ban đầu có thể cao hơn so với đi trên mặt đất, nhưng về dài hạn sẽ phát huy hiệu quả. Phương án cầu cạn cũng giúp công trình thích ứng tốt hơn với tình trạng sụt lún, ngập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn