MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa. Nguồn: Soha/TTXVN

Khẩn cấp xóa độc quyền xuất bản SGK

LÊ THANH PHONG LDO | 15/08/2017 06:30

Báo Lao Động số ra ngày 10.8.2017 có bài “Chương trình giáo dục tổng thể chậm triển khai: Thiệt hại về tiền, lo chất lượng của chương trình và sách giáo khoa mới”, có đưa ý kiến của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long về tổng kinh phí thực hiện dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông là 80 triệu USD.

Ông Ngô Trí Long phân tích: “Dù được vay vốn ưu đãi nhưng trong bối cảnh nợ công ngày càng lớn, thâm thủng ngân sách ngày càng cao, việc chậm trễ sẽ góp phần khiến nợ công tăng cao dẫn đến ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế chung của đất nước”.

Không chỉ gói hỗ trợ này, nhiều dự án khác ngốn tiền kinh khủng. Trong nhiều thứ cần phải dẹp bỏ để giảm gánh nặng ngân sách, xin bàn đến việc xóa độc quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa (SGK). Nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng một cách khẩn thiết về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Bộ GDĐT chỉ cần có chương trình tổng thể, còn việc biên soạn SGK hãy cứ để cho xã hội thực hiện, cá nhân hoặc nhóm chuyên gia tự biên soạn SGK. Các chuyên gia “xã hội hoá” này không cần tiền ngân sách trả công như Bộ GDĐT vẫn làm từ trước đến nay. Họ sẽ mang công trình đi tiếp thị, tìm đối tác đầu tư, tìm nhà xuất bản để xuất bản, bán ra thị trường. Phụ huynh, học sinh, giáo viên có nhiều đầu sách để lựa chọn cho việc giảng dạy, học tập, tham khảo.

SGK nào chất lượng cao sẽ tồn tại theo quy luật của thị trường. Có nhiều bộ sách, kiến thức sẽ đa dạng, phong phú, sẽ có những sáng tạo về nội dung và hình thức để hấp dẫn người học.

Cạnh tranh sẽ thúc đẩy đổi mới và sáng tạo không ngừng, học sinh sẽ không bị áp đặt bằng nội dung của một bộ sách, mà mở rộng “tầm mắt” trước tri thức. Một nhóm chuyên gia do Bộ GDĐT giao độc quyền biên soạn không thể hơn được “túi khôn” của cả cộng đồng. 

Xoá độc quyền biên soạn và xuất bản SGK còn mang lại lợi ích khác, đó là giá thành sẽ giảm, ngăn chặn lợi ích nhóm, phụ huynh và học sinh có nhiều lựa chọn, sách kém chất lượng sẽ bị loại. Khác với độc quyền là ở chỗ, dù chất nội dung và hình thức kém, giá cao cũng phải mua vì không có lựa chọn khác.

Đừng sợ xoá độc quyền SGK sẽ dẫn đến sự mất kiểm soát về nội dung, bởi vì không tác giả nào bỏ công biên soạn sách để rồi bị cấm xuất bản, hay xuất bản rồi sẽ bị thu hồi, thậm chí chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chưa kể Nhà nước còn có các công cụ khác để quản lý.

Việt Nam có nhiều trí thức xuất sắc, tâm huyết với nền giáo dục nước nhà. Hãy tạo điều kiện để họ cống hiến, vừa ích nước vừa lợi nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn