MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khan hiếm xăng dầu khắp nơi, đồng nghĩa với nguồn cung đầu vào, an ninh năng lượng bị đe doạ. Ảnh: Cường Ngô

Khan hiếm xăng dầu khắp nơi: Không lẽ chúng ta bó tay

Anh Đào LDO | 08/02/2022 14:40

Cây xăng treo biển “giảm thời gian bán hàng” ngay tại Thủ đô. Phải chăng đã đến lúc đặt câu hỏi về an ninh năng lượng khi giờ đây đầu vào của nền kinh tế đang bị đe doạ bởi một doanh nghiệp như Nghi Sơn?

Đây là tấm biển mà LĐO ghi nhận tại một cây xăng ở Hà Nội vào chiều ngày 7.2.

Đây, chắc chắn không phải là một “hiệu ứng Tết” mà là một cách đối phó khi nguồn cung xăng dầu trở nên khan hiếm với “sự biến Nghi Sơn”.

Cây xăng nghỉ bán 8-10 tiếng, nếu nhìn ở góc độ sản xuất kinh doanh - rất rõ ràng, là việc hạn chế nguồn cung ứng mặt hàng đầu vào của hàng trăm ngành sản xuất kinh doanh, đặc biệt là vận tải.

Nhưng hãy nhìn từ phía các doanh nghiệp xăng dầu. Họ cũng không thể bán để mà lỗ mãi được.

Cửa hàng xăng dầu Nguyễn Văn Việt (Chợ Vàm, Tân Phú, An Giang) chẳng hạn. Đến ngày 7.2, cửa hàng ngày vẫn đóng cửa. Lý do, theo báo Tuổi trẻ, là mỗi lít xăng đang “phải bán” với giá 24.560 đồng, bằng đúng giá nhập. Nên cứ mỗi lít bán ra, cửa hàng “lỗ ròng” toàn bộ chi phí.

Tờ báo cũng dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Thới - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân An Kiên - cho biết: Trước đây, doanh nghiệp được chiết khấu từ 200 đến 1.000 đồng/lít. Nhưng hiện tại một số đầu mối lỗ nên không có “hoa hồng”. Và mỗi lít bán ra, các cửa hàng đều lỗ 300-500 đồng.

Việc “đóng cửa”, hay treo biển “giảm thời gian bán hàng” có thể hiểu, thậm chí thông cảm được, cho dù đây là phản ứng rất tiêu cực với nền kinh tế, là cách đối phó trước sự khan hiếm và không còn lợi nhuận, thậm chí lỗ.

Tình trạng khan hiếm đã được báo trước ngay từ khi Nghi Sơn làm mình làm mẩy.

Nghi Sơn, đang chiếm từ 30-35% thị phần xăng dầu. Và họ biết chắc điều đó khi mang an ninh năng lượng ra làm sức ép.

Hãy xem phản ứng của Bộ Công Thương. Ngày 31.12.2021, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã nói về việc Nghi Sơn giảm công suất dẫn tới tình trạng một số đơn vị kinh doanh có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm.

Và biện pháp của Bộ Công Thương là cảnh báo, là doạ rút giấy phép với những đơn vị có biểu hiện găm hàng.

Một biện pháp cần, nhưng chưa đủ.

Bởi cái gốc của việc khan hiếm có nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu đến từ chính sự cắt giảm công suất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Cái gốc, vì thế, không chỉ là việc xử lý một sự vụ lần này mà phải có biện pháp dứt điểm, không thể để một doanh nghiệp chi phối, gây ảnh hưởng đến nguồn cung đầu vào của cả nền kinh tế.

Đó không chỉ là hàng hoá xăng dầu. Đó chính là an ninh năng lượng. Không lẽ chúng ta lại bó tay trước một doanh nghiệp?!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn