MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mức giá 35.000 đồng trên chiếc khẩu trang được bán ở sân bay đang gây bức xúc dư luận, nhưng có lẽ đại dịch corona chỉ là cái cớ để lộ sáng những cái giá cắt cổ

Khẩu trang sân bay và câu hỏi “tại sao 35 ngàn”

Anh Đào LDO | 27/01/2020 13:05
Câu chuyện cặp khẩu trang 35 ngàn đồng được bán ở sân bay đang gây bão dư luận chỉ đang cho thấy một thứ nạn không thể gọi khác hơn: Nạn chặt chém.

Sau khi sự phẫn nộ bức xúc tràn ngập mạng xã hội với giá bán chiếc khẩu trang của Công ty dịch vụ hàng không TASECO 35.000 đồng, gấp hàng chục lần giá trên thị trường, TASECO đưa ra lời giải thích đại ý: 

35.000 đồng là giá bán một cặp (2 chiếc) chứ không phải 1 chiếc; Giá này đã được đăng ký với cảng Nội Bài, được niêm yết từ 2018 chứ không phải lợi dụng đại dịch corona; và đây là loại hàng hoá “rất ít hành khách nội địa hỏi mua... thường chỉ bán cho hành khách nước ngoài và những người này cũng ít khi thắc mắc về mức giá 35.000 đồng”.

Như vậy, cái quan trọng nhất hóa ra là dành cho... người nước ngoài- đối tượng ít thắc mắc về giá cả.

Cái giá gấp hàng chục lần, ngay cả khi giá 35 ngàn là một cặp - vẫn chưa hề có lời giải thích, chưa hề trả lời câu hỏi tại sao.

Có lẽ phải trở lại năm 2013-2014, khi nạn chặt chém ở sân bay đến mức kinh hoàng với ví dụ kinh điển: gói mì tôm chống đói thị trường chỉ 4-5 ngàn nhưng được “chém” ở sân bay với giá 50 ngàn, gấp đến 10 lần.

Một mức giá mà ĐBQH Trần Du Lịch gọi là “cắt cổ” khi chất lượng thì bình dân, giá thì như khách sạn 5 sao. “Nếu không phải là câu chuyện độc quyền ở đây thì là gì?”- Ông Trần Du Lịch đặt câu hỏi mang tính chất tự trả lời.

Những năm đó, Bộ trưởng Bộ GTVT đã rất kiên quyết trong việc chấn chỉnh giá để tạo ra một mức giá trần, kết quả của cơ chế hiệp thương giá bán giữa các doanh nghiệp bán hàng và cơ quan quản lý. 

Nhưng câu chuyện chiếc khẩu trang, chai nước với giá cao gấp 400% đến “hàng chục lần” hôm nay và chi tiết “đã được đăng ký với cảng Nội Bài” cho thấy cái cốt yếu nhất: Cơ sở hình thành giá bán- vẫn thiếu đi sự minh bạch.

Tại sao cái giá ấy là 35 ngàn? Tại sao không phải là 5 ngàn, 15 ngàn hay 50 ngàn? Và bao nhiêu thì là giá hợp lý- ở nghĩa không phải là “giá cắt cổ”?

Chúng ta không biết, khách hàng không biết, có lẽ- cơ quan quản lý cũng không thể giải thích. 

Cho nên, việc vội vàng thông báo sẽ phát miễn phí, ngay sau một scandal, có lẽ chi là chữa cháy- cho chuyện chặt chém, cho việc đáng lẽ phải giải thích câu hỏi “tại sao 35 ngàn”.

Hãy nhớ lập luận “thường chỉ bán cho hành khách nước ngoài và những người này cũng ít khi thắc mắc” không phải là câu trả lời nếu như không nói đó là cách chữa cháy rất... cùn!

Có lẽ, câu chuyện một hàng hoá được bán gấp hàng chục lần giá thị trường cũng đáng là vấn đề để Bộ trưởng Bộ GTVT quan tâm. Bởi nếu chiếc khẩu trang gấp hàng chục lần vẫn tiếp tục tồn tại thì không có gì đảm bảo sẽ không có những hàng hoá khác không như thế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn