MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoạn trường nhận trợ cấp thất nghiệp là một trong nguyên nhân quỹ tồn dư tới 89.100 tỉ đồng, bất chấp 2 năm đại dịch đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp. Ảnh: Hải Nguyễn

Khi bộ trưởng nói “chưa từng có tiền lệ”

Anh Đào LDO | 28/09/2021 11:15

“Nhiều người cứ nói vỡ quỹ, rồi “chuyện A, chuyện B” liên quan đến quỹ, thông tin rất nhiều chiều. Nhưng đến giờ có thể khẳng định, các quỹ là bền vững”.

Ngoặc kép là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Tổng số kết dư quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp đến tháng 8 vừa rồi đang là 935.100 tỉ đồng.

Trong số ngót 1 triệu tỉ đồng này, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư hơn 89.100 tỉ đồng.

Có nhiều nguyên nhân của “tình trạng” này, nhưng nguyên nhân chính thì đơn giản: Thu thì nhiều, chi thì ít. 

Chẳng hạn đến 2020, cả nước có hơn 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, số thu của riêng năm 2020 là hơn 18.700 tỉ.

Năm 2020, năm mà hơn 32 triệu người, tức 1/3 dân số ảnh hưởng thu nhập, việc làm nhưng chỉ có trên dưới 1 triệu lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Thu nhiều, chi ít. Thủ tục thụ hưởng quá khó. Vừa phải chấm dứt hợp đồng, vừa phải nộp hồ sơ xin trợ cấp nhưng phải chưa tìm được việc sau 15 ngày nộp. Và đặc biệt là phải đóng quỹ đủ 12 tháng trở lên, lại phải “trong thời hạn 24 hoặc 36 tháng trước khi mất việc làm”.

89.100 tỉ kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, trong hoàn cảnh hai năm đại dịch khiến hàng triệu người thất nghiệp, có cái gì đó rất vô lý.

Và phải chờ đến Nghị quyết 03 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết 116 của Chính phủ, 38.000 tỉ trong đó mới được dành ra để hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp sử dụng lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nói đó là chưa từng có tiền lệ.

Nhưng xét ra, nó cũng chưa hẳn phải tiền lệ nếu năm ngoái đã có nghị quyết nới chi.

Xét ra, nó cũng chưa đến mức hoành tráng nếu như cơ chế thu chi của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp - một loại quỹ toạ chi (trừ dần) được thường xuyên rà soát để cân đối giữa mức đóng/ hưởng.

Nhiều nước khi nguồn thu lớn, chi ít thì phải giảm đóng, tăng chi và ngược lại. Cứ 3-5 năm họ điều chỉnh tỉ lệ đóng một lần... Chỉ có ở Việt Nam, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp với 1% từ người lao động, 1% từ chủ doanh nghiệp vẫn áp dụng từ lúc lập quỹ mà chưa hề thay đổi.

Có lẽ, việc xả quỹ, nới chi, hỗ trợ lần này không nên xem chỉ là đặc thù, cá biệt, nếu chúng ta vẫn nói quỹ là vì người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn